Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 12 - Trường THPT Liễn Sơn - Năm học 2020-2021

Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 12 - Trường THPT Liễn Sơn - Năm học 2020-2021

Câu 1 (6,0 điểm)

Hãy lắng nghe cuộc đối thoại sau:

Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả, nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn. (Mahatma Gandhi)

Anh không thể nói anh hạnh phúc nếu anh không thắng cuộc. (Arsene Wenger – nhà văn người Pháp)

Từ cuộc đối thoại trên, anh / chị suy nghĩ gì về thành tựu đích thực của đời người.

Câu 2 (14,0 điểm)

 Định nghĩa về thơ, nhà thơ vĩ đại nước Anh T.S Eliot cho rằng: Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là

doc 6 trang phuongtran 44160
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 12 - Trường THPT Liễn Sơn - Năm học 2020-2021", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN
-----------------
Đề thi gồm 01 trang
KỲ THI CHỌN HSG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2020 – 2021
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN 12
Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề.
Câu 1 (6,0 điểm)
Hãy lắng nghe cuộc đối thoại sau:
Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả, nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn. (Mahatma Gandhi)
Anh không thể nói anh hạnh phúc nếu anh không thắng cuộc. (Arsene Wenger – nhà văn người Pháp)
Từ cuộc đối thoại trên, anh / chị suy nghĩ gì về thành tựu đích thực của đời người.
Câu 2 (14,0 điểm)
	Định nghĩa về thơ, nhà thơ vĩ đại nước Anh T.S Eliot cho rằng: Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc, không phải là sự biểu hiện của tính cách, nhưng một lối thoát cho cá tính 
(Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ, theo Tri thức trẻ - 2013)
	Anh/ Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua tác phẩm Vội vàng (Xuân Diệu), đoạn trích Việt Bắc (Trích Việt Bắc – Tố Hữu) hãy làm sáng tỏ điều đó.
-------------Hết-------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. 
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: .. . . . . Số báo danh: 
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN
KỲ THI CHỌN HSG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2020 – 2021
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN 12 
(Hướng dẫn chấm gồm 05 trang)
I. YÊU CẦU CHUNG
- Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.
- Điểm lẻ của bài thi tính đến 0,25 điểm.
II. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu
Nội dung
Điểm
1
Viết bài văn nghị luận xã hội bày tỏ suy nghĩ về về thành tựu đích thực của đời người.
6,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thành tựu đích thực chính là vừa nỗ lực trên cuộc hành trình, vừa chiến thắng ở đích đến.
0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
c.1. Giải thích
- Thành tựu: Những giá trị quan trọng mà mỗi người đạt được trong cuộc đời của mình. Thành tựu có thể là một chiến công, một thắng lợi, một thành công, một tấm huy chương, hay đơn giản là một khoảnh khắc sống có ý nghĩa, sống thật trọn vẹn. Thành tựu sẽ cho chúng ta biết về ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của bản thân.
- Theo quen điểm của Mahatma Gandhi, thành tựu (mà ông gọi là vinh quang) nằm ở chỗ nỗ lực. Nỗ lực là cố gắng vượt lên trên mọi giới hạn của bản thân, nỗ lực là một quá trình con người chiến thắng chính bản thân mình. Đối với Gandhi, chỉ cần ta nỗ lực hết mình trên cuộc hành trình, ta đã có được thành tựu, cho dù không đạt được kết quả gì đi nữa.
- Ngược lại, Arsene Wenger cho rằng, thành tựu chính là thắng cuộc. Có nghĩa là con người chỉ có thể có được hạnh phúc khi đạt được kết quả lớn lao, vĩ đại ở cuối cuộc hành trình.
→ Vậy, thành tựu đích thực trong cuộc đời mỗi người là nỗ lực hay thắng cuộc, là hành trình hay kết quả?
0,5
0,25
0,25
c.2. Bàn luận, mở rộng vấn đề
- Thành tựu chính là nỗ lực trên cuộc hành trình (Bàn về quan niệm của Mahatma Gandhi)
+ Cuộc sống là một cuộc hành trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Nỗ lực trên cuộc hành trình, con người sẽ có được trải nghiệm, có được những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Những trải nghiệm ấy chính là những thành tựu lớn lao mà mỗi người có thể tự hào.
+ Bản thân sự nỗ lực là một thành tựu, bởi cho dù sự nỗ lực đó không mang lại kết quả gì, nhưng ít nhất bản thân mỗi người đã dám dũng cảm vượt ra khỏi vùng an toàn của mình để đến gần hơn với cuộc sống, để hiểu cuộc sống và hiểu chính mình. Đó là giây phút ta chiến thắng bản thân, là một thành tựu lớn lao của đời người.
- Khi nỗ lực hết mình, con người sẽ đạt được một thành tựu rất lớn lao là sự tự do. Khi đó tâm hồn con người phóng khoáng, than thản, nhẹ nhàng, thấu triệt những giá trị bình dị của cuộc sống và dễ dàng tìm thấy hạnh phúc nội tại của tâm hồn.
- Thành tựu cũng chính là chiến thắng ở đích đến (Bàn về quan niệm của Arsene Wenger)
+ Chiến thắng là một thành tựu, bởi đó là dấu chỉ rõ ràng cho thấy một quá trình nỗ lực đã đơm hoa, kết trái.
+ Chiến thắng luôn đi kèm với phần thưởng, và từ phần thưởng ấy ta có thể làm được nhiều điều lớn lao để cải tạo, tác động hiện thực cuộc sống, biến đổi thế giới và tạo ra những điều tốt đẹp hơn. Đó là một thành tựu đáng quý trọng, lưu lại dấu ấn của ta trong sử sách, trong cuộc đời.
- Thành tựu đích thực chính là vừa nỗ lực trên cuộc hành trình, vừa chiến thắng ở đích đến (Mối quan hệ)
+ Nếu chỉ nỗ lực mà không quan tâm đến thắng cuộc, chỉ biết đến cuộc hành trình mà không màng đến kết quả: Con người dễ dàng nản chí, buông xuôi, sẽ mất đi động lực để phấn đấu. Hậu quả là, con người có thể để hoài phí cuộc đời và bản thân biến mất như một hạt cát vô danh.
+ Nếu chỉ quan tâm đến thắng cuộc mà không nỗ lực, chỉ quan tâm đến kết quả mà không màng đến cuộc hành trình: Con người rơi vào trạng thái ảo tưởng, mơ mộng hão huyền, bởi nỗ lực chính là điều kiện cơ bản để dẫn đến thắng cuộc. Mặt khác, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào đích đến, con người sẽ biến mình thành kẻ hiếu thắng, tự chôn vùi mình trong vô vàn áp lực, sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích mà quên đi các giá trị đích thực của đời sống.
→ Như vậy muốn có thành tựu đích thực, nỗ lực phải gắn liền với thắng cuộc, hành trình phải gắn liền với kết quả.
1,25
1,25
0,75
c.3. Bài học nhận thức và hành động
 - Xem kết quả là mục tiêu cao nhất trong học tập. Luôn nỗ lực hết mình để thực hiện mục tiêu đó.
- Tuy nhiên sẽ đánh giá đúng bản thân để đề ra những mục tiêu phấn đấu vừa sức, có cơ sở thực tế.
0,5
d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,5
e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0,25
2
Định nghĩa về thơ, nhà thơ vĩ đại nước Anh T.S Eliot cho rằng: Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc, không phải là sự biểu hiện của tính cách, nhưng một lối thoát cho cá tính 
(Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ, theo Tri thức trẻ - 2013)
Anh / Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu và đoạn trích Việt Bắc (trích Việt Bắc – Tố Hữu) hãy làm sáng tỏ điều đó.
14,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đặc trưng cơ bản của thơ: cảm xúc mãnh liệt và cá tính sáng tạo, chứng minh qua Vội vàng và Việt Bắc.
0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
c.1. Giải thích
* Cắt nghĩa ý kiến: 
- Vòng quay chậm rãi của cảm xúc: biểu hiện cảm xúc một cách đều đều, mờ nhạt không có ấn tượng, không thăng hoa mãnh liệt
- Lối thoát của cảm xúc: cảm xúc được cởi thoát, tuôn trào mãnh liệt, hướng tới sự tri âm, đồng điệu.
- Tính cách: là tổng hợp những đặc điểm tâm lí ổn định trong cách xử sự của con người; Cá tính: là nét riêng biệt, diện mạo riêng của một người, làm nên đặc trưng của người đó để phân biệt với cộng đồng. Trong nghệ thuật, cá tính được biểu hiện là phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ.
- Lối thoát cho cá tính: sự bộc lộ nét độc đáo, sáng tạo của nhà thơ (thông qua nội dung và hình thức của tác phẩm).
→ Ý cả câu: Nhận định của Eliot đã khẳng định được những đặc trưng cơ bản của thơ là sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc và khát khao mong muốn được giãi bày, mong nhận được sự tri âm ở người đọc một cách sôi nổi, mãnh liệt. Đồng thời thơ ca là nơi người nghệ sĩ khẳng định cá tính qua sự độc đáo về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
* Lí giải ý kiến: 
- Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc:
+ Thơ là thể loại trữ tình, điểm xuất phát hay đích đến đều là tình cảm, cảm xúc. Thơ ca là nơi người nghệ sĩ bộc lộ thế giới tình cảm bên trong vốn vô cùng phức tạp, tinh vi, luôn biến đổi không ngừng; nơi nhà thơ thăng hoa cảm xúc, giải thoát những cảm xúc (vốn dồn nén, giấu kín ). Họ làm thơ như là để “gửi hương cho gió”, để tìm kiếm những tâm tình chia sẻ. Thơ là giải thoát cho tâm tình, điệu hồn đi tìm đồng điệu.
+ Tình cảm, cảm xúc trong thơ không phải là thứ tình cảm bàng bạc, nhạt nhẽo, đơn điệu mà phải chân thành, phải được đẩy lên ở một “trạng thái cao trào, tràn đầy và mãnh liệt”. Tình cảm trong thơ nhất định phải đạt đến trạng thái đỉnh điểm của cảm xúc, trở thành cảm hứng hoặc thần hứng. Có như vậy, tiếng thơ ấy mới tìm được sự đồng điệu nơi độc giả.
- Thơ không phải là sự biểu hiện của tính cách, nhưng là một lối thoát cho cá tính:
+ Tính cách thể hiện bản chất xã hội của nhà thơ nhưng cá tính mới là dấu ấn riêng biệt để nhà thơ khẳng định cái “tôi” riêng của mình. Trong thơ ca việc khẳng định cái tôi, cái riêng ấy chính là cá tính sáng tạo, là “cái không lặp lại của nghệ thuật”.
+ Xuất phát từ bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo. Sáng tạo phải thông qua sự độc đáo, mới lạ trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Đó có thể là đóng góp mới trong quan niệm, cảm xúc, cách nhìn, của nhà thơ; có thể là cách nói mới về những điều đã cũ, đã quen;cũng có thể là sự phá vỡ những khuôn mẫu, những hình thức có tính chất ổn định trước đó như hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu... 
- Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ. Tuy nhiên, mọi “lối thoát” của cảm xúc hay cá tính trong thơ đều phải gắn với ý nghĩa phổ quát, động chạm tới cái chung trong tâm hồn con người, trở thành tiếng lòng của nhiều người.
0,75
0,5
0,5
0,5
0,5
0,25
c.2. Chứng minh qua Vội vàng (Xuân Diệu) và đoạn trích Việt Bắc (Tố Hữu)
* Chứng minh qua Vội vàng (Xuân Diệu)
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
 - Vội vàng- “lối thoát của cảm xúc” - dòng cảm xúc mãnh liệt, thăng hoa của một cái tôi yêu đời, khát sống: Khao khát đến vô cùng đoạt quyền tạo hóa để níu giữ hương sắc của cuộc đời; Hối hả chạy đua với thời gian; Khát vọng tận hưởng đến cuồng nhiệt, mê say 
- Vội vàng còn là “lối thoát cho cá tính” Xuân Diệu: Thí sinh chỉ ra được cá tính sáng tạo của nhà thơ Xuân Diệu thể hiện qua nội dung, hình thức của tác phẩm:
+ Nội dung tư tưởng: Thi nhân phát hiện ra “một thiên đường ngay trên mặt đất”; Lấy con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của thiên nhiên; Quan niệm mới về thời gian và tuổi trẻ 
+ Nghệ thuật: Mạch thơ trữ tình - triết luận, giọng thơ tranh biện; Sử dụng kiểu câu, dấu câu, hình thức so sánh mới lạ; hệ thống ngôn từ, hình ảnh hết sức mới mẻ, độc đáo 
→ Cảm xúc tích cực, sôi nổi, mãnh liệt, cùng những cách tân táo bạo của thi sĩ Xuân Diệu trên hành trình sáng tạo nghệ thuật đã đưa“Vội vàng” trở thành một thi phẩmcó sức sống lâu bền qua thời gianvà luôn tìm được những tâm hồn đồng điệu.
0,25
1,25
1,5
0,5
* Chứng minh qua đoạn trích Việt Bắc (Tố Hữu)
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Việt Bắc - “lối thoát của cảm xúc” – cuộc chia tay đầy bịn rịn, lưu luyến giữa người đi và kẻ ở trong tám câu thơ đầu.
- Việt Bắc còn là “lối thoát cho cá tính” Tố Hữu: Thí sinh chỉ ra được cá tính sáng tạo của nhà thơ Tố Hữu thể hiện qua nội dung, hình thức của tác phẩm:
+ Nội dung tư tưởng: 
• Nỗi nhớ của chủ thể trữ tình về thiên nhiên Việt Bắc vừa êm đềm, thơ mộng vừa hùng vĩ, hiểm trở; con người Việt Bắc với những nét đẹp đặc trưng cho tâm hồn, cốt cách của dân tộc người Việt; cuộc sống, chiến đấu ở Việt Bắc hào hùng, sôi động, 
• Tố Hữu đã phản ánh đậm nét hình ảnh, con người Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam trong thời đại cách mạng, đã đưa những tư tưởng, tình cảm cách mạng hòa nhập và tiếp nối với truyền thống tinh thần, tình cảm, đạo lí của dân tộc.
+ Nghệ thuật: Thể thơ lục bát kết hợp với giọng điệu cổ điển và dân gian, thể hiện những nội dung và tình cảm cách mạng mà có gốc rễ trong truyền thống tinh thần dân tộc; từ ngữ và lối nói quen thuộc nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại; hình ảnh trong thơ Tố Hữu thiên về giá trị biểu cảm hơn là giá trị tạo hình; Tố Hữu có biệt tài trong việc sử dụng các từ láy, dùng vần và phối hợp các thanh điệu 
0,25
0,5
2,25
0,5
c.3. Đánh giá, nâng cao vấn đề
- Khẳng định ý kiếnxác đáng, đúng đắn của Eliot về cảm xúc và cá tính sáng tạo trong thơ.
- Ý nghĩa:
+ Đối với nhà thơ: Cần sâu sắc, mãnh liệt, chân thành trong từng cảm xúc. Đồng thời phải luôn không ngừng sáng tạo để đem đến sự độc đáo, mới lạ cho tác phẩm. 
+ Người đọc trong quá trình tiếp nhận thơ cần nhận ra và trân trọng cái “vân chữ” của mỗi nhà thơ. Đọc không chỉ thấy được cái hay của câu chữ mà còn phải đồng điệu, tri âm ở tâm hồn.
0,75
0,25
0,5
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
1,0
e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0,5
------------- HẾT -------------

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_truong_mon_ngu_van_lop_12_truo.doc