Đề giao lưu đội tuyển HSG lần 1 môn Ngữ văn Lớp 12 - Năm học 2020-2021 - Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (Có đáp án)

Đề giao lưu đội tuyển HSG lần 1 môn Ngữ văn Lớp 12 - Năm học 2020-2021 - Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (Có đáp án)

 Napoleon – người chinh phục cả thế giới – đã nói: “Những ngày hạnh phúc thực sự của tôi gộp lại chưa được một tuần”, còn Helen Keller – người phải gánh chịu ba tầng khuyết tật: mù, câm, điếc – lại nói: “Cuộc đời tôi không có một ngày nào là không hạnh phúc.”

 Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác. Không bám víu vào sự đánh giá hay thương hại của người khác, chỉ có chủ kiến của riêng mình mới sản sinh ra sự mãn nguyện và lòng biết ơn, điều này sẽ dẫn tới hạnh phúc.

 Có khi nào tự bản thân bạn đã thấy hài lòng và vui vẻ rồi, nhưng để thuận mắt “người thứ ba” không rõ chân tướng mà bạn cứ phải nhìn trước ngó sau? Nỗi bất mãn ngày một lớn dần của bạn có phải xuất phát từ việc quá bận tâm đến người khác không?

 

docx 11 trang phuongtran 63441
Bạn đang xem tài liệu "Đề giao lưu đội tuyển HSG lần 1 môn Ngữ văn Lớp 12 - Năm học 2020-2021 - Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 SỞ GD & ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT HOÀNG LỆ KHA
ĐỀ CHÍNH THỨC
Số báo danh:..........
 ĐỀ THI GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI LIÊN TRƯỜNG
NĂM HỌC: 2020 - 2021
Môn thi: NGỮ VĂN – LỚP 12 THPT
Thời gian làm bài: 180 phút; không kể thời gian phát đề
Ngày thi: 8 tháng 10 năm 2020
 (Đề thi có 02 phần, gồm 02 trang)
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:
 Napoleon – người chinh phục cả thế giới – đã nói: “Những ngày hạnh phúc thực sự của tôi gộp lại chưa được một tuần”, còn Helen Keller – người phải gánh chịu ba tầng khuyết tật: mù, câm, điếc – lại nói: “Cuộc đời tôi không có một ngày nào là không hạnh phúc.”
 Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác. Không bám víu vào sự đánh giá hay thương hại của người khác, chỉ có chủ kiến của riêng mình mới sản sinh ra sự mãn nguyện và lòng biết ơn, điều này sẽ dẫn tới hạnh phúc.
 Có khi nào tự bản thân bạn đã thấy hài lòng và vui vẻ rồi, nhưng để thuận mắt “người thứ ba” không rõ chân tướng mà bạn cứ phải nhìn trước ngó sau? Nỗi bất mãn ngày một lớn dần của bạn có phải xuất phát từ việc quá bận tâm đến người khác không?
 Tất nhiên, không thỏa mãn với hiện tại, luôn buộc chính mình phải phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống là một phẩm chất hết sức quý giá đối với sự trưởng thành của bản thân. Bên cạnh đó, cũng có giả thuyết cho rằng ý niệm bản ngã của chúng ta vốn giống như một chiếc gương tạo nên từ sự đánh giá và công nhận của người khác. Nhưng cần phải tự do, không bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác, như thế mới có thể tin vào cách sống của bản thân và cảm thấy hạnh phúc 
 Tôi xin hỏi:
 Hôm nay, bạn là chủ nhân của hạnh phúc bản thân, hay nô lệ của ánh mắt người đời?
Triết lý sống của riêng bạn là gì? Bạn có đủ dũng khí để biến triết lý đó thành sự thật?
 (Trích Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu, Rando Kim, Kim Ngân dịch, NXB Hà Nội 2016, tr.249-250).
Câu 1: Theo tác giả, điều gì khiến con người tin vào cách sống của bản thân và cảm thấy hạnh phúc?
Câu 2: Tại sao tác giả cho rằng: “Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác”?
Câu 3: Những câu hỏi mà người viết đặt ra trong đoạn trích hướng tới mục đích gì?
Câu 4: Hãy nêu triết lí sống của anh/chị và lí giải vì sao chọn triết lí ấy?
PHẦN II. LÀM VĂN (14.0 điểm)
Câu 1 (4.0 điểm). 
 “Những giọt sương lặn vào lá cỏ
 Qua nắng gắt, qua bão tố
Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh
 Vẫn long lanh, bình thản trước vầng dương ”
 (Trích Sự bùng nổ của mùa xuân – Thanh Thảo)
 Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 300 chữ), trình bày suy nghĩ về bài học sâu sắc nhất mà anh/chị nhận được từ văn bản?
Câu 2 (10.0 điểm).
 Bàn về lao động sáng tạo trong thơ ca, V. Huy-gô cho rằng: “Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca”. 
 Từ cảm nhận bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng), liên hệ với bài thơ Từ ấy (Tố Hữu) anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
 .. HẾT 
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
 SỞ GD & ĐT THANH HÓA
TRƯỜNG THPT HOÀNG LỆ KHA
 ĐỀ CHÍNH THỨC
 ĐÁP ÁN GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI LIÊN TRƯỜNG
NĂM HỌC: 2020 - 2021
Môn thi: NGỮ VĂN – LỚP 12 THPT
Thời gian làm bài: 180 phút; không kể thời gian phát đề
Ngày thi: 8 tháng 10 năm 2020
(Hướng dẫn chấm gồm 09 trang)
 ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần
Câu/Ý
Nội dung
Điểm
I
ĐỌC HIỂU
6.0
Phần này chủ yếu kiểm tra tri thức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, vận dụng cao. Yêu cầu học sinh trả lời và trình bày chính xác, ngắn gọn, rõ ràng. 
1
Theo tác giả, điều khiến con người tin vào cách sống của bản thân và cảm thấy hạnh phúc là : tự do, không bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác.
* Lưu ý: Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
1.0
2
 Tác giả cho rằng: “Chúng ta không thể tùy tiện bình phẩm giá trị quan và hạnh phúc của người khác”vì :
– Mỗi con người đều có chủ kiến về giá trị bản thân và quan niệm riêng về hạnh phúc.
– Những lời bình phẩm tùy tiện có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cảm nhận về hạnh phúc của người khác.
* Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
 1.5
3
Những câu hỏi mà người viết đặt ra trong đoạn trích hướng tới mục đích:
-Thể hiện sự suy tư, trăn trở của tác giả về hạnh phúc thật sự của con người.
-Tăng tính đối thoại với người đọc về vấn đề cần bàn luận.
* Lưu ý: Chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai, không trả lời thì không cho điểm.
 1.5
4
– HS nêu triết lí sống của riêng mình nhưng không ngược với chuẩn mực đạo đức và pháp luật(0.5 điểm)
– Lí giải: (1.5 điểm)
+ Lí giải hợp lí, thuyết phục, sâu sắc về vấn đề (1.5 điểm)
+Có ý thức lí giải hợp lí(1,0 điểm)
+Có ý thức lí giải nhưng còn chung chung, sơ sài (0.5 điểm)
 2.0
II
LÀM VĂN
14.0
1
Nghị luận xã hội
Viết bài văn (khoảng 300 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về bài học sâu sắc nhất về cuộc sống nhận được qua đoạn thơ trích từ Sự bùng nổ của mùa xuân
4.0
Yêu cầu chung
– Câu hỏi hướng tới việc kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình.
– Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm riêng của mình, nhưng phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Yêu cầu cụ thể
1.Giải thích ý nghĩa của văn bản
- Cảm nhận về hiện tượng thiên nhiên được gợi mở từ đoạn thơ: Giọt sương nhỏ bé, rất đỗi mỏng manh, khiêm nhường nhưng lại tiềm ẩn sức sống bền bỉ, kiên cường, mãnh liệt.
- Từ những gợi mở, liên tưởng hiện tượng thiên nhiên đến cuộc sống của con người: Giữa cuộc đời đầy chông gai, sóng gió, con người vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, vẫn tha thiết yêu đời, vẫn cháy bỏng niềm tin yêu và hy vọng. Giữa vô vàn khó khăn khốc liệt của cuộc sống, của hoàn cảnh, cái đẹp vẫn đơm hoa, sự sống vẫn nảy mầm.
 0.75
2. Bàn luận.
Từ nhận thức và trải nghiệm riêng, thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ riêng về một trong những bài học mà thí sinh cho là sâu sắc nhất được nhận từ văn bản:
+ Những gợi mở từ hiện tượng thiên nhiên đưa đến cho chúng ta suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống, về con người, về cái đẹp Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, lý thú, luôn ẩn chứa vẻ đẹp bình dị mà thanh cao. Tâm hồn con người, cái đẹp lên hương từ cuộc sống chính là hạt ngọc lung linh, ngần sáng biết bao thánh thiện mà mỗi một chúng ta cẩn biết nâng niu.
+ Trong mọi hoàn cảnh dù vất vả, khó khăn, dù gian nan thử thách cũng không nên buông xuôi, chán nản. Hãy nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng và cuộc sống, con người.
 Tuy nhiên dù suy nghĩ theo hướng nào cũng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng và có thái độ bàn luận nghiêm túc, thiện chí. 
2.5
3. Nhận thức và hành động.
 Từ bài học sâu sắc nhất nhận được từ nội dung văn bản, thí sinh cần nêu được định hướng nhận thức và hành động phù hợp, ý nghĩa cho bản thân. (Lưu ý: Bài học nhận thức và hành động mà thí sinh trình bày phải phù hợp với với nội dung văn bản, với nội dung mà thí sinh rút ra từ văn bản, đảm bảo tính nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức).
 0.75
2
Nghị luận văn học
10.0
 Cảm nhận bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng), liên hệ với bài thơ Từ ấy (Tố Hữu) để làm sáng tỏ nhận định “Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca”. (V. Huy-gô).
Yêu cầu chung:
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài văn nghị luận văn học của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, kiến thức về tác giả và tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, kĩ năng làm văn nghị luận và năng lực cảm thụ văn chương để làm bài. 
- Bài làm văn phải có luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, phân tích lí lẽ và biết lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu, diễn đạt sáng rõ, không mắc các lỗi về chính tả và câu văn.
Yêu cầu cụ thể:
Thí sinh có thể có những cách kiến giải và triển khai vấn đề khác nhau, song phải đáp ứng được những ý cơ bản sau:
1.Giải thích nhận đinh
* Cắt nghĩa nhận định.
– Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo:
+ Nghệ thuật: những yếu tố thuộc phạm trù hình thức của tác phẩm thơ ca: thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, các biện pháp tu từ 
+ Những vần thơ khéo léo: là những vần thơ đẹp, hấp dẫn bởi hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu tạo ấn tượng ban đầu cho người đọc.
– Trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca:
+ Trái tim: cách diễn đạt hình tượng biểu hiện những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ.
+ Tác phẩm thi ca: sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Ở đây V.Huygô đề cập đến những tác phẩm thơ ca chân chính, có giá trị, có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả, vượt qua giới hạn của thời gian, không gian, trở thành tác phẩm chung của nhân loại, của muôn đời 
=> Ý kiến: nhấn mạnh yếu tố tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ trong sáng tác thơ ca nói riêng, văn học nói chung. Đó là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định giá trị của tác phẩm.
* Lý giải nhận định.
- Xuất phát từ đặc trưng của thơ ca là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ một cách tự nhiên, chân thành. Tình cảm, cảm xúc là yếu tố có trước, khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà thơ. Thơ là do tình sinh ra (Viên Mai), Thơ khởi phát từ lòng người ta (Lê Quý Đôn) 
- Chức năng, giá trị của văn học: giáo dục tư tưởng, tình cảm, hướng con người tới vẻ đẹp Chân – Thiện – Mĩ Thơ ca muốn lay động lòng người, truyền được tư tưởng tình cảm cho người đọc thì người cầm bút phải rung động mãnh liệt, có tình cảm thương yêu hay căm giận sâu sắc Thơ sinh ra từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay (Ra-xun Gam – za- tôp).
– Trong sáng tác thơ ca từ xưa tới nay, những tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm được tạo nên từ trái tim giàu cảm xúc của người cầm bút.
– Trong văn học nói chung, thơ ca nói riêng, những tác phẩm có giá trị, nội dung và hình thức luôn thống nhất chặt chẽ với nhau, chúng sẽ không thể tồn tại và không thể có ý nghĩa thực sự khi có cái này mà không có cái kia.
– Chính sự thống nhất của các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật đã tạo nên sức mạnh tư tưởng cho tác phẩm. Yêu cầu tư tưởng là: nội dung của tác phẩm phải có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống con người, nội dung đó phải được biểu hiện bằng một hình thức độc đáo. Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là những tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung (Lêônôp).
– Muốn làm được điều đó, nhà văn phải có tâm huyết và tài năng.
1.0
1.0
 2. Cảm nhận bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng), liên hệ với Từ ấy (Tố Hữu) để làm sáng tỏ nhận định.
7.0
Cảm nhận bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
- Giới thiệu thật ngắn gọn tác giả, tác phẩm, nhấn mạ\nh Tây Tiến là tác phẩm thơ ca có giá trị nội dung và nghệ thuật được tạo nên từ tâm huyết và tài năng của Quang Dũng.
– Về nội dung bài thơ thể hiện được cảm xúc, trái tim của Quang Dũng:
+ Nỗi nhớ chơi vơi, da diết về một thời Tây Tiến (gắn với hoàn cảnh ra đời của bài thơ).
+ Nỗi nhớ về bức tranh thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt, vừa thơ mộng, huyền ảo, trữ tình.
+ Nỗi nhớ về hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn đậm chất bi tráng. 
-Về nghệ thuật độc đáo của bài thơ gây ấn tượng mạnh cho độc giả, thể hiện được tài năng của nhà thơ:
+ Bút pháp lãng mạn phát huy cao độ trí tưởng tượng để diễn tả cảm xúc, tình cảm.
+ Thủ pháp đối lập, tương phản, phóng đại, lí tưởng hoá tô đậm vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người.
+ Đặc sắc trong ngôn ngữ của Tây Tiến là sự phối hợp, hoà trộn của nhiều sắc thái phong cách với những lớp từ vựng đặc trưng. Có thứ ngôn ngữ trang trọng, có màu sắc cổ kính (chủ yếu là ở đoạn 3 miêu tả trực tiếp hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ ; lại có lớp từ ngữ thông tục, sinh động của tiếng nói hằng ngày, in đậm trong phong cách người lính : nhớ chơi vơi, súng ngửi trời, anh hạn, bỏ quên đời, cọp trêu người,...). Một nét sáng tạo trong ngôn ngữ của bài thơ là có những kết hợp từ độc đáo, mới lạ, tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới cho từ ngữ (nhớ chơi vơi, đêm hơi, súng ngửi trời, mưa xa khơi, Mai Châu mùa em, hoa đong đưa, dáng kiều thơm, về đất,...).
 + Giọng điệu: Khi tha thiết bồi hồi, khi hồn nhiên vui tươi, khi bâng khuâng man mác, khi trang trọng, khi trầm lắng 
Được xem là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích. 
=> Bài thơ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng: một cái tôi lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng, hồn hậu; có khả năng diễn tả thiên nhiên, tình người một cách gợi cảm, tinh tế. Thi phẩm làm đẹp, phong phú thêm hình tượng người lính trong văn học kháng chiến và qua đó gửi đến người đọc thông điệp về lòng yêu nước và lí tưởng sống cao đẹp nên có sức hấp dẫn độc giả mọi thời đại.
0.5
2.0
1.5
0.5
b. Liên hệ với bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.
2.0
- Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu và bài thơ Từ ấy.
- Nội dung bài thơ đã thể hiện rõ cảm xúc, lí tưởng, trái tim của người thi sĩ - chiến sĩ Tố Hữu:
+ "Từ ấy" ca ngợi sức mạnh của lý tưởng Cách mạng, diễn tả niềm vui, hân hoan của một chàng trai mười tám tuổi đang băn khoăn tìm hướng đi cho cuộc đời mình thì bắt gặp ánh sáng Cách mạng chỉ đường dẫn lối, để từ đó, ông dấn thân vô, hòa mình vào các tầng lớp khác, đấu tranh cho quyền sống, quyền độc lập của dân tộc. Vẻ đẹp và sức sống của lí tưởng cách mạng cũng là vẻ đẹp của tâm hồn thơ Tố Hữu.
+ Người chiến sĩ cộng sản có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cộng sản. Đó là người chiến sĩ có lẽ sống đạo cao đẹp. Con người đã tự nguyện đem cái “tôi” nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sức mạnh đoàn kết, tranh đấu.
- Nghệ thuật làm nên sưc hấp dẫn cho bài thơ:
+ Thể thơ bảy chữ được thể hiện nhịp nhàng, khúc chiết.
+ Hình ảnh so sánh, ẩn dụ hết sức sáng tạo, thú vị.
+ Ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ bộc lộ tư tưởng Cách mạng sâu sắc.
-> Từ ấy thấy rõ nét đặc trưng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu cũng như phong cách sáng tác độc đáo, riêng biệt của ông. Từ sự kiện được giác ngộ cách mạng, nhà thơ đã ghi lại những cảm xúc thiêng liêng trước ý thức gắn kết, trách nhiệm lớn lao của nhà thơ với nhân dân.
0.25
0.75
0.75
0.25
Sự tương đồng và khác biệt
- Tương đồng: cả hai bài thơ đều là những thi phẩm xuất sắc của thơ ca hiện đại Việt Nam với những vần thơ khéo léo và những cảm xúc nồng nàn, sục sôi, nhiệt huyết, tạo nên tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ trong sáng tạo thơ ca.
- Khác nhau: Bài thơ Tây Tiến là là nỗi nhớ da diết của nhà thơ đối với đơn vị Tây Tiến: Nhớ những chặng đường hành quân với bao gian khổ , thiếu thốn, hi sinh mất mát mà vẫn có nhiều kỉ niệm đẹp, thú vị, ấm áp. Chất lãng mạn bi tráng là vẻ đẹp độc đáo của hình tượng người lính cách mạng trong thơ Quang Dũng.
 Bài thơ Từ ấy là niềm hân hoan, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng - là sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời nhà thơ. Quan niệm, nhận thức mới về lẽ sống, gắn bó cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người. Sự thức tỉnh của nhà thơ hướng tới cái chung, niềm vui lớn. lí tưởng, lẽ sống lớn.
0.5
3. Đánh giá, bình luận.
- Ý kiến của V.Huy- gô ngắn gọn nhưng rất xác đáng, đã khẳng định được đặc trưng cơ bản của thơ ca. Ý kiến trên là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu của một nhà lí luận phê bình văn học và rung động thơ, thực tiễn sáng tác của một thi sĩ.
- Ý kiến là bài học cho người sáng tác thơ, đồng thời có tác dụng định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận thơ.
1.0
TỔNG ĐIỂM: 20.0
Lưu ý chung:
Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_giao_luu_doi_tuyen_hsg_lan_1_mon_ngu_van_lop_12_nam_hoc_2.docx