Ôn tập môn Ngữ văn Lớp 12 - Phân tích sông Đà hung bạo, hiểm ác
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, người nghệ sĩ suốt đời say mê đi tìm cái đẹp. Ông để lại một sự nghiệp văn học phong phú, phong cách nghệ thuật độc đáo, nổi bật nhất là sự uyên bác, tài hoa, thành công ở thể loại tùy bút. “Người lái đò sông Đà” rút từ tập tùy bút “Sông Đà” (1960), là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn tìm ra chữ nghĩa chính xác nhất, có khả năng làm lay động lòng người. Đặc biệt qua việc miêu tả con sông Đà hung bạo và trữ tình, ông lái đò cần cù, dũng cảm, khéo léo, tài hoa, Nguyễn Tuân muốn ca ngợi thiên nhiên con người Tây Bắc trên mặt trận lao động. Nhưng có lẽ đọng lại trong tâm trí người đọc nhiều nhất đó chính là hình tượng con sông Đà hung bạo, hiểm ác.
Phân tích sông Đà hung bạo, hiểm ác Nguyễn Tuân là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, người nghệ sĩ suốt đời say mê đi tìm cái đẹp. Ông để lại một sự nghiệp văn học phong phú, phong cách nghệ thuật độc đáo, nổi bật nhất là sự uyên bác, tài hoa, thành công ở thể loại tùy bút. “Người lái đò sông Đà” rút từ tập tùy bút “Sông Đà” (1960), là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn tìm ra chữ nghĩa chính xác nhất, có khả năng làm lay động lòng người. Đặc biệt qua việc miêu tả con sông Đà hung bạo và trữ tình, ông lái đò cần cù, dũng cảm, khéo léo, tài hoa, Nguyễn Tuân muốn ca ngợi thiên nhiên con người Tây Bắc trên mặt trận lao động. Nhưng có lẽ đọng lại trong tâm trí người đọc nhiều nhất đó chính là hình tượng con sông Đà hung bạo, hiểm ác. Tuỳ bút “Sông Đà” là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong một chuyến đi gian khổ, hào hứng với miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ Quốc để thoả mãn cái thú tìm đến với miền đất lạ cho niềm khát khao “xê dịch” để tìm kiếm chất vàng mười của thiên nhiên và tâm hồn người lao động và chiến đấu trên miền sông nước thơ mộng hùng vĩ. Mở đầu Thiên tuỳ bút Nguyễn Tuân đã dùng câu thơ của Nguyễn Quang Bích để khắc hoạ tính ngỗ ngược của sông Đà “Chúng thuỷ giang đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”. Cách giới thiệu gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc về cá tính của con sông vùng Tây Bắc. Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dài 900km, “lượn rồng rắn” qua vùng núi bao la, có độ dốc rất lớn, có 73 cái thác lớn nhỏ. Sông Đà có tên gọi rất thơ mộng: Li Tiên, Bả Biên Giang, Đà giang. Có thể thấy sông Đà được tìm hiểu và khám phá dựa trên phương diện địa lý. Qua cái nhìn của Nguyễn Tuân, con sông Đà trở nên có tính cách phong phú, phức tạp, như một “cố nhân” chốc chốc dịu dàng đấy, rồi chốc chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy. Cái nhìn ấy đã gợi ra được con sông Đà có tính cách hung bạo, hiểm ác. Hung bạo ở chỗ cảnh đá bờ sông “dựng vách thành mặt sông đúng ngọ mới có mặt trời”. Bằng phép so sánh mới mẻ độc đáo, tác giả gây ấn tượng về vách đá dựng đứng với độ dốc heo hút. Vì thế mặt sông cả ngày không có ánh nắng, chỉ khi nào đứng giữa trưa mặt trời rọi đến đỉnh đầu chỗ ấy mới có ánh nắng. Tiếp đến là dòng chảy nhỏ hẹp có cảm giác lạnh lẽo, u tối “có vách đá chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu ngồi trong khoang đò qua quãng ấy đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình đang đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Tác giả đã liên tưởng, so sánh độc đáo: đá chẹt lòng sông Đà như một cái “yết hầu” làm ta nghẹt thở và những người ngồi thuyền vượt qua quãng sông ấy có cảm giác lạnh lẽo, rùng rợn. Rồi hung bạo ở cái dữ dằn của gió, của nước, của sóng, của đá: “Ghềnh Hát Loóng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió, gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Câu văn ngắt nhịp ngắn bởi nhiều dấu phẩy liên tiếp kết hợp nhiều động từ mạnh cùng điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc vừa tạo nên âm hưởng dữ dội, nhịp điệu khẩn trương dồn dập của sóng to gió lớn vừa tạo nên những cơn xoáy thật kinh hãi có sức mạnh uy hiếp, khủng bố tinh thần con người. Hung bạo hơn nữa là những cái hút nước ghê rợn “xoáy tít đáy” trên sông Đà sẵn sàng nhấn chìm mọi thuyền bè đi qua “nó giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, cái hút nước sông Đà hiện lên thật ghê gớm, dữ dằn và “độc ác”, lúc thì “nước ở đây kêu và thở như cửa cống cái bị sặc”, lúc thì “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào” Đó là hình ảnh đầy chất hiện thực mà người đọc dễ dàng cảm nhận sự “tàn nhẫn” của những cái hút trên sông Đà được Nguyễn Tuân tô đậm bằng so sánh, nhân hoá, tả và kể. Đúng là con sông Đà không khác gì một loài hung thú đi đến đâu là gieo gắc hiểm nguy đến đó. Muốn tránh, người chèo thuyền phải như người lái ô tô “sang số nhấn ga” qua ổ gà. Nhưng con sông Đà hung bạo nhất ở mấy chục con thác đá tạo thành các thạch thuỷ trận vô cùng hiểm trở với biết bao cửa tử. Trước hết là âm thanh tiếng thác nước luôn thay đổi “nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa đổ lửa”. Nguyễn Tuân sử dụng phép nhân hoá, so sánh tài hoa, nghệ thuật dùng lửa để tả nước, đây là sự sáng tạo của ông để miêu tả tiếng rống rùng rợn, hoang dã của con sông. Tác giả đã biến những thác nước thành bầy thuỷ quái hung hăng, bạo ngược. Thứ hai là sông Đà ma mãnh, nham hiểm, xảo quyệt, bày thạch trận. Bãi đá ngầm “từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông”, “nó đứng nó ngồi nó nằm tuỳ theo sở thích”, sẵn sàng gây vạ cho bất cứ ai, khi có thuyền đến “một số hòn nhổm dậy để vồ lấy thuyền, mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, nhăm nhúm méo mó”. Con sông như một loài thuỷ quái khổng lồ nham hiểm, xảo quyệt, đầy thuỷ kế: “Nó bày thạch trận trên sông. Đám rảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền”, dày đặc cửa tử “vòng đầu mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào còn một trùng vây thứ ba nữa ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả”, la liệt “boong-ke chìm và pháo đài đá nổi” với những ông tướng đá có bộ mặt “oai phong lẫm liệt”, “đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”. Con sông càng hung bạo hơn “mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo có lúc chúng đội cả thuyền lên”. Bằng bậc thầy ngôn ngữ, nghệ thuật nhân hoá, Nguyễn Tuân đã thổi hồn vào những thứ đá vô tri vô giác để nó trở thành “kẻ thủ số một của con người”. Tóm lại, sông Đà là biểu tượng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất nước nói chung và Tây Bắc nói riêng. Đoạn văn đã vận dụng trí tưởng tượng phong phú của một người nghệ sĩ tài hoa uyên bác ở nhiều lĩnh vực: quân sự, bóng đá, võ thuật Tác giả đến với sông Đà là tìm chất vàng thiên nhiên, con sông gợi cho nhà văn nghĩ đến tiềm năng thuỷ điện to lớn “tuyếc-pin thuỷ điện”. Có lẽ nhà văn đã dự cảm vị trí, vai trò của sông Đà trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Thành công của tuỳ bút “Sông Đà” là nhờ vào văn phong độc đáo, ngôn ngữ phong phú, chính xác, điêu luyện, giàu hình ảnh. Đặc biệt nhà văn có những so sánh, liên tưởng hết sức táo bạo bất ngờ, có giá trị tạo hình gợi cảm và kể cả việc vận dụng kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Chính vì thế đã giúp Nguyễn Tuân khắc hoạ một cách ấn tượng về một con sông hung bạo, tàn ác. Tóm lại, từ tính cách hung bạo của sông Đà nói riêng và đoạn trích “Người lái đò sông Đà” nói chung không chỉ cho ta thấy thiên nhiên Tây Bắc thật hùng vĩ, hào hùng, bí ẩn nhưng không kém phần thơ mộng, trữ tình mà còn là tình yêu của Nguyễn Tuân đối với sông Đà thật bao la, tha thiết, say đắm. Qua đó càng làm ta thêm tự hào về núi sông Tổ quốc nguy nga, tráng lệ. Sông Đà quả là một quà tặng vô giá của thiên nhiên, là hồn thiêng đất Việt, là công trình nghệ thuật tuyệt vời của bậc thầy tuỳ bút Nguyễn Tuân.
Tài liệu đính kèm:
- on_tap_mon_ngu_van_lop_12_phan_tich_song_da_hung_bao_hiem_ac.docx