Giáo án Ngữ văn Lớp 12 - Văn bản "Sóng"

Giáo án Ngữ văn Lớp 12 - Văn bản "Sóng"

MỤC TIÊU BÀI HỌC

Các em thân mến, qua bài học này các em cần nắm được những mục tiêu cơ bản sau:

1) Về kiến thức:

- Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng.

- Đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng hình tượng ẩn dụ; giọng thơ tha thiết, sôi nổi, nồng nàn, nhiều suy tư

 2)Về kĩ năng: Các em có thể hình thành kĩ năng

- Đọc hiểu bài thơ trữ tình theo đặc trưng thể loại

- Rèn kĩ năng cảm thụ, phân tích thơ

- Liên hệ nhận thức, giải quyết vấn đề thực tiễn.

 3) Về thái độ: Qua bài học các em cần

- Có thái độ nhận thức đúng đắn về một tình yêu đẹp, về những khát vọng hạnh phúc chân chính.

- Có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, có nghị lực, biết đứng lên sau thất bại. Có nhận thức đúng đắn về tình cảm tuổi học trò.

 4) Về năng lực: Bài học hình thành cho các em năng lực tự học, năng lực giải quyết VĐ, năng lực sáng tạo

 

docx 13 trang Phước Dung 26/10/2024 490
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn Lớp 12 - Văn bản "Sóng"", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1. MỞ ĐẦU: CHỦ ĐỀ BÀI HỌC
2. GIỚI THIỆU BÀI HỌC:
 Tình yêu từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam.Từ bao giờ những lời ca đằm thắm yêu thương trong những bài ca dao Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than đã thổn thức trong nỗi nhớ cồn cào để rồi đến Hoàng đế thơ tình Xuân Diệu cũng sục sôi trong tình yêu Vội vàng : Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều...và trong muôn vàn, muôn vàn những sắc hoa tình yêu lung linh kì diệu đó- Sóng của XQ là bông hoa nhỏ bé xinh xắn với hương vị nồng nàn của tình yêu nồng nhiệt, táo bạo mà lắng sâu những trải nghiệm suy tư. Tìm hiểu bài học chủ đề Sóng của Xuân Quỳnh một lần nữa giúp ta hiểu vì sao Sóng lại có một sức sống bền bỉ và lung linh như những con sóng ngoài đại dương bao la của hồn thơ sôi nổi nhưng rất đỗi đậm đà cái cốt cách của người phụ nữ phương Đông- Xuân Quỳnh.
3. MỤC TIÊU BÀI HỌC 
Các em thân mến, qua bài học này các em cần nắm được những mục tiêu cơ bản sau: 
Về kiến thức:
- Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng.
- Đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng hình tượng ẩn dụ; giọng thơ tha thiết, sôi nổi, nồng nàn, nhiều suy tư
 2)Về kĩ năng: Các em có thể hình thành kĩ năng
- Đọc hiểu bài thơ trữ tình theo đặc trưng thể loại
- Rèn kĩ năng cảm thụ, phân tích thơ
- Liên hệ nhận thức, giải quyết vấn đề thực tiễn.
 3) Về thái độ: Qua bài học các em cần
- Có thái độ nhận thức đúng đắn về một tình yêu đẹp, về những khát vọng hạnh phúc chân chính.
- Có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, có nghị lực, biết đứng lên sau thất bại. Có nhận thức đúng đắn về tình cảm tuổi học trò.
 4) Về năng lực: Bài học hình thành cho các em năng lực tự học, năng lực giải quyết VĐ, năng lực sáng tạo
4. NỘI DUNG BÀI HỌC: BẢNG KWLH
Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung bài học, bằng hiểu biết và kiến thức đã học ở lớp 10, 11 và 12 về những sáng tác viết về tình yêu, các em hãy cùng cô điền thông tin vào cột K, W trong bảng KWLH dưới đây. Cô sẽ giới thiệu đôi chút về kĩ thuật dạy học tích cực KWLH 
K: là những điều các em đã biết, những kiến thức các em đã biết có liên quan đến nội dung, chủ đề bài học
W: là những điều các em muốn biết trong chủ đề bài học- bằng cách đặt câu hỏi hoặc đưa ra các vấn đề cần tìm hiểu có liên quan đến chủ đề bài học
L: Là trả lời cho những câu hỏi đã đặt ra ở cột W sau khi học xong bài học.
H: Vận dụng thực tiễn. Từ bài học chúng ta có thể vận dụng vào thực tiễn những kiến thức gì và vận dụng như thế nào?
Như vậy ở cột K, W chúng ta có thể điền các thông tin sau:
 BẢNG KWLH
các em đã hoàn thành hai cột- cột K và cột W, hai cột còn lại chúng ta sẽ điền tiếp sau khi kết thúc bài học.
Chuyển tiếp: Để giúp các em có thể cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp tình yêu trong Sóng của XQ, các em chú ý nghe đoạn băng sau:
5. VIDEO: thuyền và biển
Chuyển tiếp: Nhạc phẩm được phổ từ một trong số rất nhiều bài thơ nổi tiếng về tình yêu của nữ sĩ XQ đó là bài Thuyền và biển. Có thể thấy sóng và biển luôn là nguồn cảm hứng cho hồn thơ bất tận của nữ sĩ về tình yêu. Vậy XQ đã tìm thấy vẻ đẹp kì diệu của tình yêu qua sóng như thế nào các em sẽ tìm hiểu trong nội dung bài học.
6. KHÁI QUÁT
Bài học có 3 vấn đề lớn: phần 1- Tìm hiểu chung, phần 2- Đọc hiểu văn bản, phần 3- Tổng kết và bài học thực tiễn.
7. I.TÌM HIỂU CHUNG - các em cần chú ý : nét khái quát về tác giả và bài thơ Sóng.
8. 1. Vế tác giả XQ:
- Tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh ( 1942- 1988)
- Quê: La Khê- Hà Đông- Hà Tây (nay Hà Nội)- một làng nghề dệt the lụa nổi tiếng ở Hà Tây.
- XQ sinh ra trong một gia đình: công chức, nhưng
- Cuộc đời lại chịu nhiều thiệt thòi, lo âu, vất vả, đa đoan, nhiều trắc trở trong tình yêu. XQ có tuổi thơ nhiều thiệt thòi- Mẹ mất sớm, cha có gia đình mới, XQ ở với bà nội, sống trong thời kì gian khó, tuổi thơ XQ- Suốt cả thời nhỏ dại khi nào tôi cũng thấy rét. Đó là lời tâm sự của nữ sĩ về cuộc đời mình. Tài năng và thành công nhưng cuộc sống riêng tư của nữ sĩ lại nhiều trắc trở- gia đình tan vỡ, tái hôn với nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. 
- Bản thân: Nữ sĩ từng là diễn viên múa trong đoàn văn công trung ương nhân dân, cuộc sống trong những năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ với bao gian lao vất vả nhưng XQ vẫn kiên định vượt qua bằng niềm tin, sức mạnh và sự khéo léo đảm đang để sống trọn đời với thơ bởi Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, thì cuộc đời sẽ chỉ là những chuỗi Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm, ..; Năm 1963, XQ làm báo, làm thơ, làm biên tập ở báo Văn nghệ, Nhà xuất bản tác phẩm mới và được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam- khóa 3.

9. Về Sự nghiệp: XQ viết nhiều, nhưng các em chú ý những tác phẩm chính là: Tơ tằm- chồi biếc (1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió lào cát trắng (1974), Bầu trời trong quả trứng (1982) đây là tập thơ viết cho thiếu nhi, tập thơ mang đến cho các em những tình cảm trong trẻo, trìu mến, nhân hậu và cái nhìn hóm hỉnh, thông minh), Tự hát (1984), truyện thơ Truyện Lưu Nguyễn (1985) 
XQ làm văn, viết thơ về cuộc sống, cho thiếu nhi và thơ về tình yêu, ở mảng nào, XQ cũng thể hiện một trái tim nhân hậu, khao khát yêu thương.
10.
- Đặc điểm thơ XQ thường mang vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, nhiều lo âu, trăn trở, luôn khát khao hạnh phúc đời thường bình dị (Tiếng thơ XQ luôn mang theo những cảm xúc nồng nàn, sôi nổi Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi(Tự hát) . Nữ tính đó là thiên chức làm mẹ, làm vợ với tâm hồn tinh tế, chăm lo tạo dựng cuộc sống bình yên mà chính Lưu Quang Vũ, người chồng yêu thương gắn bó của XQ đã xúc động thốt lên Em là bóng cây, em là bếp lửa/ Che mát và sưởi ấm lòng anh. Thế nhưng - thơ XQ cũng mang theo bao lo âu trăn trở, suy tư về cuộc đời bởi Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết tình ai có đổi thay. Dẫu biết đời là vậy, mong manh và đầy bất trắc những tâm hồn ấy vẫn có một tình yêu, một niềm tin bất diệt vào cuộc đời. Nếu Xuân Diệu được coi là Hoàng đế thơ tình thì XQ lại là Nữ hoàng thơ tình.
+ XQ được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật 2001.
11, 12 Giới thiệu gia đình XQ Ảnh 1+2 (XQ- gia đình- 2 con)
Tình duyên trắc trở, năm 1973- XQ tái hôn cùng LQV- nhà viết kịch tài ba những năm 80, họ đã cùng nhau xây dựng hạnh phúc, đi qua mọi gian khổ, khó khăn trong cuộc sống như một bến đỗ trong cuộc đời của nhau mà với LQV- XQ giống như một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm cho cả gia đình và sưởi ấm lòng anh 
13. Giới thiệu gia đình XQ Ảnh 3 (mộ)
Năm 1988 XQ mất đột ngột cùng chồng và người con là Lưu Quỳnh Thơ trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương- Hải Dương để lại bao thương tiếc trong lòng người đọc.
14. 
2. Bài thơ “Sóng”
- Hoàn cảnh sáng tác
Viết 1967 tại vùng biển Diêm Điền (Thái Bình- trong một chuyến đi công tác. Bài thơ ra đời trong một bối cảnh có nhiều biến cố đặc biệt: Khi đó cuộc kháng chiến chống Mĩ đang ở giai đoạn ác liệt, tuổi trẻ mang trong mình khát vọng giải phóng quê hương như Tố Hữu từng viết Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Ở những sân ga, bến nước, con đò đang diễn ra những cuộc chia li màu đỏ, đặt bài thơ trong hoàn cảnh ấy mới thấy hết được khát vọng của người con gái trong tình yêu. Bài thơ được viết khi nữ sĩ ở tuổi 25, đã nếm trải nhiều đổ vỡ trong tình yêu. Tuy vậy, những gì thể hiện trong bài thơ sóng thì không hề phảng phất chút gì đau khổ, bi quan mà ngược lại- tràn đầy khát vọng niềm tin, tình yêu và tuổi trẻ. Mặt khác, cũng thấy được ý thức của cái tôi bên cạnh cái ta chung. XQ thường kể về sự ra đời của bài thơ sóng “Lần ấy về Diêm Điền- Thái Bình, đạp xe nhìn bãi biển mãi rồi tứ thơ hình thành, đạp ngay về trong cơn mưa 20 cây số đường đất, xe đạp lúc dắt, lúc đi siêu vẹo, cả người như mê man đi, có lúc ngã xấp xuống mặt đất nhưng không phỉa vì mưa gió mà là vì bài thơ đang làm dở. Sóng đã ra đời như thế.”
Xuất xứ: In trong tập Hoa dọc chiến hào xuất bản năm 1968. Sóng tuy ra đời trong bối cảnh chiến tranh ác liệt nhưng không hề có bom rơi, đạn nổ mà như một bông hoa thơm nở dọc chiến hào, đem đến một hương sắc độc đáo về một tình yêu dịu dàng thủy chung với những khát vọng hạnh phúc đời thường chân chính, nuôi dưỡng sức mạnh, niềm tin cho bao lứa đôi giữa cái khốc liệt của chiến tranh .
- Đề tài: Tình yêu
- Về Chủ đề, bài thơ mượn hình tượng Sóng để diễn tả tâm hồn người phụ nữ khi yêu với nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc đan xen hồn nhiên , chân thật, say đắm, nồng nàn, đôn hậu, thủy chung, khao khát được yêu thương, được gắn bó, được hi sinh.
-Vị trí: Bài thơ được đánh giá là một trong số các bài thơ tình hay nhất của XQ nói riêng và thơ tình nói chung trong nền VHVN
Chuyển tiếp:Các em cùng chuyển sang phần II 
15. II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Ở phần II- đọc hiểu văn bản các em cần chú ý 3 nội dung lớn:
1. Đọc – hiểu khái quát bài thơ
2. Bố cục bài thơ
3. Đọc hiểu chi tiết bài thơ
Trước hết ở phần đọc hiểu khái quát bài thơ, các em chú ý
16.
1. Đọc – hiểu khái quát bài thơ: Bài thơ mang âm hưởng của những con sóng ngoài đại dương bao la nên các em cần đọc bài thơ theo nhịp điệu của sóng- Khi sôi nổi gấp gáp, khi lắng sâu tha thiết, nồng nhiệt, chân thành, ngắt nhịp đều đặn 3/2, 2/1/2, 2/3. Các em hãy cùng cô đọc diễn cảm bài thơ 
Ảnh bài thơ 
Dữ dội và dịu êm 
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau cũng thế
Nỗi khát vọng tình yêu 
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỉ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Chuyển tiếp: Về bố cục bài thơ, chúng ta có thể chia thành 3 phần theo chuyển động của hình tượng sóng và diễn biến cảm xúc của NVTT.
 17. 2. BỐ CỤC:
Phần 1, khổ 1,2: Sóng và những đặc tính của tình yêu
Phần 2, là các khổ 3,4,5,6,7: Sóng và những sắc thái của tình yêu
Phần 3, là khổ 8,9: Sóng và khát vọng tình yêu bất tử
Chuyển tiếp: trong mỗi phần sóng biểu đạt những cung bậc cảm xúc tâm hồn người con gái khi yêu như thế nào các em chuyển sang phẩn 3 nhỏ- đọc hiểu chi tiết
18. 3. ĐỌC HIỂU CHI TIẾT: phần này các em chú ý 2 nội dung:
- Cảm nhận chung khái quát về hình tượng sóng và âm điệu bài thơ
- thứ 2, hình tượng Sóng trong và tâm hồn người phụ nữ khi yêu.
19. a.Cảm nhận chung:
-Thứ nhất về hình tượng sóng – Sóng là hình tượng bao trùm, xuyên suốt từ đầu đến cuối bài thơ ( Nếu Xuân Diệu mượn biển để nói về tình yêu thì XQ lại mượn sóng để điễn tả những cung bậc cảm xúc, trạng thái của người phụ nữ khi yêu, cả bài thơ, đoạn nào cũng nói về sóng.)
- Sóng là Ẩn dụ cho tâm trạng người con gái khi yêu, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình. Sóng hay cũng chính là lòng người cứ xôn xao triền miên vô tận tràn đầy những khát khao yêu đương và hạnh phúc lứa đôi. 
- “ Sóng” – “em” là hai hình ảnh có cấu trúc song hành, tương đồng, soi chiếu. Có lúc sóng và em phân đôi để soi chiếu vào nhau, làm nổi bật sự tương đồng. Có lúc lại hòa vào nhau để tạo thành sự âm vang, cộng hưởng. Sóng và em đan cài quấn quýt diễn tả một cách thật mãnh liệt, thấm thía khát vọng tình yêu đang cuồn cuộn trào dâng trong lòng nữ sĩ.
* Âm điệu bài thơ là âm điệu của những con sóng biển, sóng lòng, hòa trộn, đan cài vào nhau làm nên cái dạt dào say đắm mà không kém phần mãnh liệt của tình yêu trong tâm hồn người phụ nữ.
- Âm điệu được tạo nên bởi hai yếu tố: thể thơ 5 chữ, ngắt nhịp, phối âm, phối thanh B- T linh hoạt 3/2, 2/1/2, 2/3 
- Phương thức tổ chức ngôn từ, hình ảnh, nhịp sóng cũng là nhịp đập của trái tim đa cảm, đắm say, nhiệt thành của tình yêu tận hiến.
Chuyển tiếp: Mối quan hệ giữa sóng và em chuyển hóa cho nhau trong từng khổ thơ như thế nào, các em cùng chuyển sang nội dung tiếp theo – Sóng và tâm hồn người phụ nữ khi yêu.
 
20 Hình ảnh sơ đồ bài thơ
Chuyển tiếp: Ở hai khổ 1 và 2 mà trước tiên là khổ 1 ta thấy hình ảnh sóng hiện lên mang theo những đặc tính, quy luật của tình yêu:
21. 
Dữ dội và dịu êm 
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
22. Hai câu đầu khổ 1
- Hình ảnh sóng hiện lên với những trạng thái đối lập: dữ dội- dịu êm, ồn ào- lặng lẽ. nhịp thơ 2/3 và sự luân phiên đắp đổi cho nhau giữa các thanh B- T, đã nhấn mạnh hai trạng thái đối lập tưởng như mâu thuẫn gay gắt nhưng lại thống nhất hài hòa trong thuộc tính, bản chất của sóng với sự kết nối của liên từ VÀ: dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ- sóng luôn chuyển động, chuyển hóa trong nhau, ta bắt gặp những con sóng ngoài đại dương gầm gào dữ dội khi giông bão, nhưng cũng bắt gặp những con sóng dịu dàng xô bờ cát trắng trong màu xanh bao la của đất trời Trạng thái bất thường của sóng chính là ẩn dụ, giúp ta liên tưởng đến trạng thái cảm xúc của tình yêu: phức tạp và cũng đầy mâu thuẫn Tình yêu cũng như con sóng kia- khi buồn vui, thương nhớ, giận hờn, khi sôi nổi nồng nàn, khi lại dịu êm sâu lắng XQ thật tinh tế khi đătt các tính từ chỉ trạng thái nhẹ nhàng, dịu êm về phía cuối câu thơ- tình yêu sau bao dữ dội, ồn ào, giông bão vẫn trở về với sự dịu êm lặng lẽ. Cảm xúc tình yêu trong tâm hồn người con gái phức tạp nhưng vẫn dịu dàng, đầy nữ tính bởi trong Thuyền và biển XQ cũng khẳng thổ lộ Có những khi vô cớ/ biển ào ạt xô thuyền/Ôi tình yêu muôn thủa/ có bao giờ đứng yên.
Chuyển tiếp: Chính cái mâu thuẫn phức tạp trong cảm xúc của tình yêu ở hai câu đầu đã khơi dậy niềm khát khao mãnh liệt ở hai câu sau- Câu 3 và 4 khổ 1
Sông không hiểu nổi mình
 Sóng tìm ra tận bể
23. Hai câu sau khổ 1
Hình ảnh sóng tìm ra tận bể là quy luật vốn có của thiên nhiên- Trăm sông cùng đổ về biển lớn. Nhưng Sông gợi một không gian chật hep, nhỏ bé hữu hạn, còn bể lại mở ra một không gian rộng lớn mênh mông vô tận. Với đặc tính dữ dội, ồn ào- con sóng nhận thấy sức mạnh, nỗi khát khao sục sôi của mình, muốn tìm đến với một không gian biển cả bao la để thỏa sức vẫy vùng, để được tiếp thêm sức mạnh, để được khám phá mình- Con sóng nhỏ nhưng mang khát vọng lớn lao chính là hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ cho khát vọng của tình yêu. Tình yêu luôn khao khát hướng tới sự cao thượng, lớn lao, đẹp đẽ để tìm đến những tâm hồn đồng điệu, để vươn tới một tình yêu đích thực, bền vững. Trong khát vọng về tình yêu đó, XQ đã mang tới một quan niệm mới mẻ, hiện đại đầy tính nhân văn về tình yêu: một tình yêu chủ động không cam chịu, không chấp nhận sự sắp đặt, luôn khát khao khám phá. Sự chủ động rời bỏ hạnh phúc không xứng đáng để đến với tình yêu, hạnh phúc xứng đáng hơn của XQ quả là táo bạo và đầy bản lĩnh. Bởi đặt trong XH mà quan điểm tư tưởng phong kiến còn nặng nề- Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó với những cảnh ngộ đầy chua xót Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai , thì người phụ nữ trong thơ XQ đã đến với tình yêu một cách đầy tự tin, làm chủ cuộc đời mình, tìm đến một khung trời tình yêu cao cả, bao dung, thoát khỏi sự tầm thường, nhỏ hẹp. 
Chuyển tiếp: Khát vọng táo bạo đầy chất nhân văn đó tiếp tục được khẳng định và khám phá trong khổ thơ thứ 2 Sóng và khát vọng tình yêu
24. 
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau cũng thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Chuyển tiếp: Khám phá về sóng XQ lại phát hiện thêm những quy luật vĩnh hằng của tình yêu. 
25. 
Con sóng xưa và nay vẫn thế, vẫn tồn tại vĩnh hằng, bất biến dạt dào trong lòng biển cả bao la và tình yêu từ xưa đến nay vẫn mãi bồi hồi, rạo rực trong trái tim, trong khát vọng muôn đời của con người nhưng mãnh liệt nhất là tuổi trẻ. Xuân Quỳnh đã mượn quy luật của sóng để nói lên quy luật bất biến của tình yêu: Tình yêu luôn là khát vọng của muôn đời, đặc biệt là tuổi trẻ, đó là Khát vọng mang tính nhân bản, cao đẹp bởi thi sĩ Xuân Diệu từng nói Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo/Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu. Phải chăng chỉ có lồng ngực khỏe khoắn của tuổi trẻ, những đam mê hồn nhiên và nồng cháy của tuổi trẻ mới đủ sức chứa hết cái dạt dào, rạo rực, sôi nổi, đắm đuối của tình yêu. Chừng nào còn biển thì chừng ấy còn sóng, Cũng như còn tuổi trẻ còn chừng ấy khát vọng về tình yêu. Vẻ đẹp khổ thơ chính là sự thống nhất, chuyển hóa kì diệu giữa sóng và khát vọng tình yêu.
GV chuyển tiếp: như vậy ở hai khổ đầu hình ảnh sóng được khám trong tương quan với cung bậc cảm xúc và khát vọng tình yêu thì đến 5 khổ tiếp theo sóng lại được khám phá trong sự soi chiếu với những sắc thái đa dạng của tình yêu. Trước hết ở khổ 3 và 4- XQ nhìn sóng để khám phá nguồn gốc của tình yêu.
26
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
27 
- Yêu là thắc mắc. Đứng trước biển bao la, trước tình yêu rộng lớn của đời mình, nhân vật trữ tình em đã mang theo bao nỗi suy tư trăn trở, những suy tư ấy hiện hữu trong hàng loạt câu hỏi về sóng, gió và tình yêu ở cả hai khổ thơ.
Em suy tư về anh và em, về mối quan hệ kì diệu- tình yêu, nghĩ về biển lớn, về cái vô biên huyền diệu hiện lên với sóng và gió. Trong ba câu hỏi tu từ ở cả hai khổ thơ, Câu hỏi đầu tiên hướng về sóng- Từ nơi nào sóng lên Câu trả lời đến rất nhanh Sóng bắt đầu từ gió. Nhưng với khao khát khám phá, XQ không dừng lại ở câu trả lời chóng vánh đó mà đưa câu hỏi của mình đến tận cùng Gió bắt đầu từ đâu? Thì câu trả lời lại là Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau. Vâng- cả gió và tình yêu đều là một thế giới bí ẩn không thể cắt nghĩa, nếu có thì đó là những lí lẽ riêng của trời đất, nếu có thì đó là những quy luật riêng của tình yêu và như thế XQ đã phát hiện ra- tình yêu đích thực luôn chứa đựng những điều bí ẩn, lạ lùng, diệu kỳ mà không ai có thể lí giải, cắt nghĩa. Đó là sức hấp dẫn của tình yêu, càng khám phá ta lại càng ngỡ ngàng trước sự bí ẩn không dễ nắm bắt, tình yêu lớn hơn mọi thứ lí lẽ trên đời, tình yêu bất chấp mọi quy luật trên đời bởi như đại văn hào nga Lép- tôn- xtôi nói Có bao nhiêu cái đầu, có bấy nhiêu cách nghĩ/ Có bao nhiêu trái tim, có bấy nhiêu cách yêu đương.Trên đời có bao nhiêu đôi lứa thì có bấy nhiêu câu chuyện về tình yêu, thế nên nguồn gốc của tình yêu vẫn là một thế giới bí ẩn không có đáp số chung và cũng không có đáp số cuối cùng. Sự bất lực trong những câu hỏi đã góp phần kì ảo hóa tình yêu. Đến ông hoàng thơ tình cũng phải thốt lên Làm sao cắt nghĩa được tình yêu bởi Nơi tình yêu bắt đầu / cũng là nơi khó nhất. Câu trả lời chơi vơi của XQ “Em cũng không biết nữa” tựa như cái lắc đầu nũng nịu, bối rối vì không cắt nghĩa được tình yêu. Nhưng em lại hạnh phúc vì tình yêu đích thực không cần lí lẽ, không cần tự cắt nghĩa bởi - quy luật của tình yêu là không có quy luật. Đó là lời tự bạch chân thành đắm say, giàu nữ tính của trái tim đa cảm Xuân Quỳnh. Tình yêu là niềm vui, là hạnh phúc trong cuộc đời mỗi người. Vì thế hãy biết trân trọng tình yêu, hạnh phúc mình đang có.
 Chuyển tiếp: Tình yêu luôn đồng hành cùng nỗi nhớ. Nhớ là thước đo nồng độ của tình yêu và khổ 5- sóng lại được khám phá trong cung bậc đặc biệt của tình yêu đó là nỗi nhớ
28. 
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Chuyển tiếp: Nếu các khổ thơ khác chỉ có 4 câu thì đây là khổ thơ đặc biệt có 6 câu thơ, cấu trúc đặc biệt đó đủ sức ôm chứa những cảm xúc vô bờ của nỗi nhớ trong tình yêu . sóng và em đã hòa nhập, phân đôi để tự trải nghiệm, bộc lộ lòng mình.
29
Đại dương bao la là sóng, mọi con sóng đều vận động xô tới bờ đó là quy luật của tự nhiên nhưng trong cảm thức tình yêu- em lại cho rằng sóng nhớ bờ ngày- đêm không ngủ. XQ đã sử dụng đắc địa các hình ảnh nhân hóa, so sánh trong nhịp thơ 2/3, 3/2 miên man, dào dạt, âm hưởng tạo ra bởi yếu tố ngôn từ trùng điệp Con sóng- con sóng và con sóng gợi hình những con sóng như đang trào dâng hướng tới bờ. Nỗi nhớ bờ của sóng tràn ngập lòng sâu, mặt nước, tràn ngập cả cái vô biên của không gian, thời gian... Cảm nhận ấy là chiếc cầu nối để nhân vật trữ tình em bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ trong lòng mình em -nhớ anh -trong mơ còn thức. Nỗi nhớ anh đã xâm chiếm toàn bộ thế giới vô biên trong tâm hồn em, nỗi nhớ đến khắc khoải, cồn cào, nỗi nhớ bao trùm cả không gian, thời gian, trong ý thức, tiềm thức và cả vô thức. Nếu sóng chỉ có thể làm xáo trộn đại dương trong cõi thực thì tình yêu có thể làm xáo trộn tâm hồn người phụ nữ cả trong cõi mơ. Vâng tình yêu là vậy, càng chân thành, đắm say thì nỗi nhớ càng vô biên, tuyệt đích. Ca dao xưa cũng đã từng ghi lại những cảm xúc chân thành, nóng bỏng của lòng người trong nỗi nhớ Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ như đứng đống lửa, như ngồi đống than hay trong thơ Hữu Thỉnh, nỗi nhớ đã giày vò trái tim đến tê tái: Anh xa em trăng cũng lẻ, mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn . Qua sóng, Xuân Quỳnh đã táo bạo, chủ động bày tỏ sự yêu thương không hề che giấu. Đó là vẻ đẹp của những khát khao hạnh phúc đời thường chân thành, giản dị mà không kém phần mãnh liệt.
Chuyển tiếp: Khao khát yêu thương nhưng lại chịu quá nhiều đắng cay nên tình yêu trong thơ XQ còn mang theo bao dự cảm lo âu và ước vọng về một tình yêu chung thủy. các em cùng đi vào khám phá khổ thơ thứ 6 trong bài.
30. Khổ 6
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
31
 Thông thường chúng ta thường nói xuôi Nam, ngược Bắc nhưngXQ sử dụng sáng tạo cách nói ngược xuôi bắc- ngược nam, kết hợp với các danh từ chỉ hướng Bắc- Nam gợi sự xa xôi, cách trở và các động từ xuôi- ngược, ngược hướng nhau gợi những dự cảm về cuộc đời bất trắc, khó khăn với hàm ý- tình yêu dẫu trải qua nhiều biến động, thử thách, lòng em vẫn hướng về anh một phương. Vũ trụ có 4 phương Đông ,Tây, Nam, Bắc nhưng trái tim em chỉ có một phương: phương anh. XQ đã khẳng định niềm tin, bản lĩnh tình yêu của người phụ nữ qua sóng đó là một tình yêu thủy chung, kiên định, duy nhất - dù cuộc đời có nhiều nghịch lí, bất trắc, đảo điên. Đó chính là một thái độ chân thành, quyết liệt bảo vệ tình yêu thủy chung đồng thời khẳng định XQ luôn vun đắp, chắt chiu cho hạnh phúc đời thường. Dù biết rằng ngay trong cảm thức của đời mình, thi sĩ luôn có những dự cảm, lo âu về sự phai tàn đổ vỡ, trong lời Hoa cỏ may, XQ từng viết “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết tình anh có đổi thay” thế nhưng XQ vẫn tin “Tình yêu là nguồn gốc của muôn vàn khát vọng” cho cuộc đời đẹp và ý nghĩa hơn. Quan niệm của XQ rất mới mẻ nhưng có gốc rễ rất sâu xa từ truyền thống vẻ đẹp người phụ nữ VN chân thành, say đắm, thủy chung...
GV Chuyển tiếp: thế nhưng dường như chưa thỏa mãn với sự khẳng định ấy- nhà thơ còn nhấn mạnh thêm trong khổ thơ thứ 7- sóng và niềm tin vào tình yêu
32. Khổ 7
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Đây là khổ thơ kiểm chứng cho tình yêu chung thủy ở khổ 6, là sự vận động nối tiếp của niềm tin vào tình yêu, cuộc đời. Từ con sóng nhớ bờ trong khô 5 đến con sóng tới bờ trong khổ 7. 
33. Với cấu trúc đảo ở hai câu cuối khổ 7. Nếu theo cấu trúc thông thường Dù muôn vời cách trở/con nào chẳng tới bờ thì ý thơ là sự khẳng định chắc chắn tình yêu sẽ kết thúc có hậu. Tuy nhiên XQ lại chọn cấu trúc đảo như một cách để vun đắp nghị lực, như một lời tự nhủ với lòng mình : Sóng khao khát tới bờ, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để cập bến bình yên cũng như em khao khát có anh, sẵn sàng bước qua mọi khó khăn thử thách để cập bến bờ hạnh phúc. Đó là niềm tin vào tình yêu chân thành, thủy chung sẽ cập bến bờ hạnh phúc. XQ viết bài thơ Sóng năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, bản thân nhà thơ cũng nếm trải vị đắng của một cuộc tình tan vỡ. Nhưng người phụ nữ giàu nghị lực ấy vẫn vững tin vào tình yêu con người, vào danh dự của người phụ nữ biết yêu, đó không phải là niềm tin dễ dãi ngây thơ, niềm tin có thêm vị đắng của sự trải nghiệm. Cay đắng mà vẫn tin yêu. Niềm tin của XQ thật đáng trân trọng.
Chuyển tiếp: XQ là người nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian. Ý thức về thời gian trong chị thường đi liền với sự lo âu và khát khao nắm lấy hạnh phúc hiện tại, vì vậy 2 khổ cuối 8 và 9 khép lại là khát vọng bất tử hóa tình yêu.
34. Khổ 8,9 ;
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
35. Bằng sự chiêm nghiệm của trái tim nhạy cảm, XQ suy tư về
cuộc đời và năm tháng. Cuộc đời là hình ảnh hoán dụ cho thời gian hạn hẹp của đời người, còn năm tháng, là hình ảnh hoán dụ cho dòng thời gian vô thủy vô chung. Biển ở đây gợi không gian rộng, mênh mông nhưng biển trong vũ trụ lại gợi cái ra cái hữu hạn nhỏ bé. còn mây tưởng như nhỏ nhoi nhưng lại gợi sự phiêu du, đám mây sẽ bay từ nơi này đến nơi khác trong vũ trụ , gợi ra cái vô cùng ,vô tận của không gian. Cuộc đời- năm tháng là phạm trù thời gian, biển- mây thuộc phạm trù không gian. Sự đối lập giữa cái hữu hạn và cái vô hạn trong hình ảnh thơ không chỉ là kết quả quan sát thế giới tự nhiên, đằng sau nó là những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, tình yêu. Cuộc đời dù có dài bao nhiêu thì năm tháng vẫn đi qua cuộc đời. Lời thơ ẩn chứa sự tiếc nuối, lo âu về sự hữu hạn của đời người, sự mong manh của tình yêu. Những lo âu, khắc khoải ấy chính là biểu hiện cho một tâm hồn luôn khao khát hạnh phúc và ước vọng về một tình yêu bất tử.
Chuyển tiếp: Đứng trước sự chảy trôi của thời gian và sự hữu hạn của đời người, Nếu thi sĩ XD chạy đua với thời gian, muốn tắt nắng, buộc gió để tận hưởng những phút giây ngắn ngủi của đời người” tôi muốn tắt nắng đi/ cho màu đừng nhạt mất/ tôi muốn buộc gió lại/cho hương đừng bay đi ” thì XQ ngược lại, thời gian, cuộc đời càng ngắn, nhà thơ càng muốn được hi sinh, hiến dâng cho người mình yêu nhiều hơn và càng được yêu nhiều hơn. 
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỉ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
36. Ở đây sóng và em đã hòa làm một trong khát vọng được tan ra làm trăm con sóng nhỏ để ngàn năm còn vỗ cùng thời gian vĩnh hằng, cùng không gian biển lớn mênh mông, để được sống mãi trong biển lớn tình yêu. Giọng thơ trở nên nhanh hơn, hối hả, gấp gáp hơn. Những câu thơ kéo dài dường như không ngắt nhịp để tập trung biểu đạt một khát vọng được hóa thân- được tan ra, Tan ra không phải để mất đi mà để hòa giữa cái chung với cái riêng.....Lẽ thường, sự lo âu dễ dẫn con người ta đến những phản ứng tiêu cực- thất vọng, chán chường nhưng ngược lại cũng có thể là động lực khiến con người sống tích cực, mạnh mẽ hơn. Và XQ đã chọn cho mình một cách ứng xử thật tích cực, thật đẹp. Chị không chán nản tuyệt vọng mà lại càng khao khát.. XQ tìm thấy hạnh phúc trong sự dâng hiến, hi sinh. Đó là vẻ đẹp của tình yêu chân chính, sống hết mình, sống tận độ cho tình yêu, hóa thân để bất tử hóa tình yêu. Khát vọng ấy ta không khó để tìm trong rất nhiều sáng tác của XQ như bài thơ Tự hát, thơ tình cuối mùa thu...nghĩa là. Cho dù cuộc đời có trải qua sóng gió, khổ đau, tuyệt vọng thì được sống mãi với tình yêu vẫn là khát vọng lớn, tha thiết nhất của XQ Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi (Tự hát)
Chuyển tiếp: Như vậy ở bài học chủ đề Sóng của XQ các em cầu lưu ý những gì, chúng ta đi vào phần III. Tổng kết.
37. III. TỔNG KẾT
1. Về Nội dung: bài thơ đã thể hiện
- Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu qua hình tượng Sóng, một vẻ đẹp vừa mang nét truyền thống, vừa mang nét hiện đại. Truyền thống ở vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, ở trái tim yêu hồn hậu, dễ thương, ở khát vọng chân chính và ở tình yêu thủy chung son sắc. Nét hiện đại thể hiện trong tình yêu nồng nhiệt, táo bạo, đắm say mãnh liệt, người phụ nữ chủ động vươn tới tình yêu đích thực của cuộc đời mình, dám vượt qua mọi trở ngại để giữ gìn hạnh phúc, dám sống thật với khát vọng được hóa thân để được sống mãi với tình yêu...
- Bài thơ cũng là thông điệp về cuộc đời- Tình yêu là tình cảm cao đẹp, hạnh phúc lớn lao của con người. Hãy biết trân trọng nó.
38. 2. Nghệ thuật
-Về nghệ thuật, bài thơ thành công với một nghệ thuật độc đáo:
+ Thể thơ 5 chữ; cách ngắt nhịp, gieo vần độc đáo, sự đắp đổi thanh B- T, kết hợp các điệp từ, điệp ngữ nối tiếp nhau tạo nên âm hưởng dạt dào của những con sóng biển, sóng lòng.
+ Hình ảnh so sánh, ẩn dụ giàu sức liên tưởng: Sóng soi vào em để khám phá tình yêu. Sóng là đối tượng để nhà thơ chuyển hóa tư tưởng, suy tư, xúc cảm trong tình yêu. Giọng thơ tha thiết, sôi nổi, nồng nàn, nhiều suy tư trăn trở bộc lộ rõ hơn bao giờ hết tiếng lòng thổn thức trong tâm hồn người con gái khi yêu.
GV chuyển tiếp: Sau đây các em hãy vận dụng kiến thức từ bài học Sóng của XQ để trả lời một số câu hỏi sau:
39. CÂU HỎI TƯƠNG TÁC
 HS làm bài
GV chuyển tiếp: Bài thơ Sóng khép lại nhưng lại mở ra cho mỗi chúng ta bao bài học sâu sắc về tình yêu, về nghị lực và niềm tin của con người trong cuộc sống. Các em hãy cùng cô theo dõi hai đoạn băng sau.
40.VIDEO TÌNH YÊU
41.VI DEO NIỀM TIN, NGHỊ LỰC:
GV chuyển tiếp: Như vậy, từ những điều các em đã biết, muốn biết, những điều đã học được và những vận dụng vào thực tiễn xoay quanh chủ đề bài học SÓNG, các em có thể hoàn thiện tiếp thông tin còn lại vào cột L, H trong bảng KWLH.
42 . HOÀN THIỆN KWLH
Có thể nhận thấy tính khái quát và hệ thống trong bảng KWLH sẽ giúp các em có thể ôn tập, hệ thống, khái quát và ghi nhớ, tư duy kiến thức, phát huy được năng lực tự học, sáng tạo cho các em một cách khoa học.
43. SƠ ĐỒ TƯ DUY CHỦ ĐỀ BÀI HỌC: Bài học kết thúc, các em hãy quan sát sơ đồ sau để nắm chắc hơn chủ đề bài học. Chúc các em thành công.
44. BAI TAP VÈ NHÀ, CỦNG CỐ
45. TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu đính kèm:

  • docxgiao_an_ngu_van_lop_12_van_ban_song.docx