Giáo án Ngữ văn Lớp 12 - Tuần 16: Văn bản: Người lái đò Sông Đà (trích)

Giáo án Ngữ văn Lớp 12 - Tuần 16: Văn bản: Người lái đò Sông Đà (trích)

Hình tượng con sông Đà.

 Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa, uyên bác, một người nghệ sĩ trong nghệ thuật ngôn từ. Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút sông Đà của ông. Đây là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ trong chuyến đi đến miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Qua tùy bút, ta cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng con sông Đà trên cả hai phương diện hùng vĩ, hung bạo và thơ mộng, trữ tình. Với hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của dòng sông mà còn trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu mến, niềm tự hào về vẻ đẹp của con sông xứ sở, về chất vàng 10 của thiên nhiên Tây Bắc.

 

doc 9 trang Trịnh Thu Huyền 03/06/2022 8871
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Ngữ văn Lớp 12 - Tuần 16: Văn bản: Người lái đò Sông Đà (trích)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hình tượng con sông Đà.
 Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa, uyên bác, một người nghệ sĩ trong nghệ thuật ngôn từ. Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút sông Đà của ông. Đây là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ trong chuyến đi đến miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Qua tùy bút, ta cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng con sông Đà trên cả hai phương diện hùng vĩ, hung bạo và thơ mộng, trữ tình. Với hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của dòng sông mà còn trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu mến, niềm tự hào về vẻ đẹp của con sông xứ sở, về chất vàng 10 của thiên nhiên Tây Bắc.
 Sự hùng vĩ và hung dữ của sông Đà được thể hiện ở cảnh đá bờ sông dựng vách thành. Chỉ với một hình ảnh: "Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời", Nguyễn Tuân đã giúp người đọc hình dung được độ cao của cảnh đá hai bên bờ sông vừa diễn tả được cái lạnh lẽo, âm u của khúc sông có đá dựng vách thành. Thì ra đá ở hai bên bờ sông đã chắn hết ánh nắng, chúng không cho bất cứ tia nắng nào rọi xuống mặt sông trừ lúc giữa trưa. Bởi thế quãng sông này ngoài lúc chín ngọ luôn âm âm u u, lạnh lẽo đến ghê người. Chưa hết vách đá còn chẹt lòng sông Đà như 1 cái yết hầu. Lấy 1 bộ phận nhỏ, hẹp ở cổ họng con người, Nguyễn Tuân đã diễn tả 1 cách hình ảnh sự nhỏ hẹp của dòng chảy. Như để tô đậm thêm cho điều đó, nhà văn đã sử dụng liên tiếp 2 hình ảnh so sánh: " Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Nguyễn Tuân không trực tiếp nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng ở những chỗ chẹt lòng sông Đà như thế lưu tốc của dòng chảy là rất lớn, nhất là vào mùa lũ. Đi vào 1 khúc sông như thế không thể không cảm thấy nguy hiểm đang rình rập. Như chưa thỏa mãn với sự miêu tả trên, Nguyễn Tuân tiếp tục khắc sâu ấn tượng về độ cao của những vách đá, sự lạnh lẽo, u tối của đoạn sông và sự nhỏ hẹp của dòng chảy bằng 1 liên tưởng độc đáo: " Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạ, cảm thấy mình như đứng ở hè 1 cái ngõ mà ngóng vọng lên 1 khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện" thật bất ngờ và thú vị khi nhà văn so sánh cảm nhận của con người dưới thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với 1 khoảnh khắc của đời sống hiện đại giữa trốn thị thành. Tưởng như xa cách mà lại hóa gần, ai chưa có dịp được trải nghiệm cái cảm giác "Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy" cũng có thể cảm nhận được 1 hiện thực rất gần với mình. Phải là người có óc tưởng tượng sáng tạo và trường liên tưởng phong phú, Nguyễn Tuân mới tạo ra được 1 đoạn văn độc đáo, thú vị như vậy. 
 Trước hết nhà văn đã nhân hóa con sông như một kẻ chuyên đi đòi nợ dữ dằn:" gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đi đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy." Thủ pháp điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc được thể hiện rõ trong các vế câu: "Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió". Lại được hỗ trợ bởi những thanh trắc liên tiếp tạo nên âm hưởng dữ dội, dồn dập như vừa xô đẩy, vừa hợp sức của gió, của sóng và đá khiến cho cả ghềnh sông như sôi lên, cuộn chảy dữ dằn. Câu văn đang đi những nhịp ngắn bỗng duỗi dài ra theo lối tăng tiến: "Cuồn cuộn luồng gió, gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đi đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào qua quãng ấy." Câu văn dài nhiều vế gợi tả được những vận chuyển của sóng, của gió và đá ngày càng lớn, càng bức thúc tạo nên một mối đe dọa thực sự đối với bất cứ người lái đò nào qua quãng ấy.
 Bất cứ ai cũng có thể hình dung những hút nước xoáy siết trên sông nhưng nó chưa thể độc hiểm bằng những cái hút nước mà Nguyễn Tuân miêu tả. Bằng so sánh và nhân hóa, bằng kể và tả, bằng những hiện tượng và tưởng tượng bất ngờ, nhà văn đã khiến cho những cái hút nước ấy hiện hình dưới nhiều góc độ khác nhau, đồng thời giúp người đọc cảm nhận được tất cả sự ghê gớm và độc ác của chúng. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, những cái hút nước sông Đà giống như những cái giếng bê tông thả xuống sông chuẩn bị làm móng cầu. Lúc thì "Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc". Khi thì "Nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào". Tự bản thân các cụ từ, thở, kêu sặc, ặc ặc lên, rót dầu sôi vào đang nói lên những cường lực ghê gớm của những cái hút nước. Nhưng Nguyễn Tuân không dừng lại ở đó, bằng vốn sống phong phú, bằng trí tưởng tượng sáng tạo, nhà văn đã tô đậm mức độ khủng khiếp của những cái hút nước qua hàng loạt so sánh, liên tưởng độc đáo. Nhà văn đã ví những con thuyền phải qua vùng nước xoáy thật nhanh như ô tô đang sang số nhấn ga để vượt qua 1 quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Nhà văn đã tưởng tượng một anh bạn quay phim táo tợn muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả đã dũng cảm ngồi vào một cái thuyền thúng rồi cho cả thuyền, cả máy quay xuống đáy sông Đà, từ đáy hút nhìn ngược lên, vách thành hút mặt sông chênh nhau tới 1 cột nước cao vài sải. Rõ ràng những tri thức về nhiều lĩnh vực khác nhau đã giúp Nguyễn Tuân có cái nhìn đa chiều về một hiện tượng và làm cho nó hiểu lên rõ nét trong lòng bạn đọc. Ngoài ra, như để bạn đọc khỏi thoát li thực tế trong những tưởng tượng viển vông, Nguyễn Tuân đã kết hợp tả và kể một cách hiện thực và giàu hình ảnh về những cái thuyền bị hút nước hút xuống:" Thuyền trồng cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Đó là những hình ảnh đầy tính hiện thực mà bất cứ ai khi đọc đến cũng hình dung ra sự tàn nhẫn của những cái hút nước sông Đà.
 Tại đây, nhà văn đã nhân cách hóa con sông biến nó thành một sinh thể dữ dằn với những âm thanh gào thét ghê sợ:" Nghe như là oán trách, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng mà chế nhạo." Có lúc nó rống lên như tiếng 1 ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa. Đá sông Đà cũng không chịu kém phần. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, mỗi hòn đá là một thằng lính thủy hung tợn, thằng nào cũng ngỗ ngược, nhăn nhún, sẵn sàng giao chiến. Cả một trận địa đá với những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm đã được bày ra để sẵn sàng dìm chết con thuyền. Có thể thấy, dưới ngòi bút của người nghệ sĩ ngôn từ, sự hùng vĩ và hung bạo của Đà Giang hiện ra ở nhiều dạng vẻ khác nhau. Tất cả đều toát ra sự hoang dại, một sức mạnh thiên nhiên, kì vĩ mà Nguyễn Tuân gọi là chất vàng 10 của Tây Bắc.
 Như vậy có thể khẳng định Nguyễn Tuân đã rất công phu khi tìm hiểu và miêu tả vẻ đẹp đa dạng của sông Đà trên khía cạnh hung bạo, ta đều thấy Nguyễn Tuân dồn nhiều tâm sức và tài năng của mình để khắc họa dòng sông đã ăn đời ở kiếp với người Tây Bắc. Bởi vì với Nguyễn Tuân, thiên nhiên không thuần túy là thiên nhiên mà là một sản phẩm vô giá của tạo hóa. Cần phải trân trọng và làm phát lộ các vẻ đẹp của nó. Qua sông Đà, Nguyễn Tuân kín đáo thể hiện tình cảm yêu mến thiết tha và mê say với thiên nhiên đất nước. Thiên nhiên chính là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp con người mà ở đây chính người lái đò trên dòng sông hung bạo 
VẺ ĐẸP TRỮ TÌNH CỦA SÔNG ĐÀ
- Dòng sông gợi cảm, trữ tình và nên thơ sau khi đã đi qua thác ghềnh. Sông Đà tạo thành chất men say cho cuộc sống của con người Tây Bắc. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, Nguyễn Tuân đã có những phát hiện mới mẻ về vẻ thi vị, yên ả của con sông này. Qua bao thác ghềnh, con sông trở nên hiền hòa, mềm mại, uyển chuyển hơn bao giờ hết.
+ Từ trên tàu bay nhìn xuống, Tây Bắc như người thiếu nữ duyên dáng, yêu kiều mà sông Đà chính là áng tóc mềm mượt của người con gái khao khát thanh xuân này. Nguyễn Tuân nhìn thấy dòng chảy uốn lượn của con sông Đà tựa như áng tóc buông dài vắt ngang qua núi rừng hùng vĩ. Nhà văn đã dùng câu văn dài hơi, hạn chế ngắt quãng để gợi tả độ dài của sông Đà, của mái tóc thiếu nữ. Đồng thời, sử dụng từ ngữ mượt mà cũng là cách để nhà văn gợi tả cái dòng chảy êm đềm của con sông mang linh hồn Tây Bắc: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.”. Hai từ “tuôn dài” được đặt kề nhau không phải là lỗi lặp từ của Nguyễn Tuân, đó là là cách để dòng sông trong đôi mắt của ông “tuôn dài” giữa núi rừng, giữa lòng người lao động. Nhà văn khéo léo gợi lại thần sắc mây trời Tây Bắc, màu hoa hoa trắng xóa, hoa gạo đỏ tươi đặc trưng cho miền núi rừng hùng vĩ này. Khói núi Mèo mà người đồng bào đốt nương mỗi khi Tết đến cũng khiến lòng người nao lòng đến lạ. Tây Bắc muôn đời vẫn đẹp, sông Đà dẫu hung hãn đến đâu cũng có đoạn yêu kiều, diễm lệ như cô gái cháy bùng sức trẻ trong khoảnh khắc thanh xuân.
+ Nhìn sông Đà từ nhiều thời điểm khác nhau, nhà văn phát hiện màu nước sông Đà thay đổi theo mùa, mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp riêng. Nguyễn Tuân đặc biệt chú trọng sắc nước sông Đà ở hai mùa: xuân và thu. Hai mùa để thương để nhớ, để nhà văn ngắm nhìn và gợi tả cái dòng nước u huyền, ngọt ngào mang đặc trưng riêng biệt: “Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà.” Tây Bắc vào xuân, sự biến ảo của đất trời, thiên nhiên khiến sắc nước sông Đà cũng xanh trong kì lạ: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô”. Màu xanh “ngọc bích” khiến dòng nước không chỉ xanh mà còn trong vắt, long lanh như tấm gương phản chiếu vẻ đẹp của đất trời nơi đây. Đến khi Tây Bắc vào thu, vẻ trầm mặc của thiên nhiên khiến dòng nước sông đỏ hẳn đi: “Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì ruợu bữa, lù lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mổi độ thu về”. Cách so sánh màu nước sông Đà mùa thu với màu da của một người nghiện rượu khiến dòng sông có sắc thái, có linh hồn, có xúc cảm hơn. Màu nước này cũng giống như cái màu đỏ giận dỗi, hờn trách “của một người bất mãn, bực bội gì mỗi độ thu về”. Nhà văn khéo léo khi so sánh dòng sông với con người, khéo léo trao thần sắc, tâm trạng của con người vào dòng sông vô tri, vô giác.
+ Nguyễn Tuân nhìn sông Đà như một “cố nhân”. Nhà văn kể lại nỗi thèm thuồng khoảng không gian thoáng đãng trên sông Đà khi ông lạc vào rừng sâu Tây Bắc. Nhớ sông Đà, Nguyễn Tuân lặn lội đi tìm con sông như tìm một người bạn. Và rồi sông Đà hiện hình trước mắt ông mà dấu hiệu nhận biết chính là “cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Cảm xúc của người lâu ngày gặp lại sông Đà “vui như thấy giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Rõ ràng, sông Đà chính là người bạn của Nguyễn Tuân.
+ Nguyễn Tuân lại thay đổi điểm nhìn của mình, đặt mình trong vị trí của người khách hải hồ đi thuyền trên sông Đà, từ đó có những phát hiện độc đáo về cảnh vật hai bên bờ sông. “Thuyền tôi trôi trên sông Đà”, sáu thanh bằng trong một câu văn khiến nó mượt mà hẳn đi như đích thị chiếc thuyền chở người du khách đang trôi trên dòng nước êm ái. Trước mắt nhà văn, cảnh vật ven sông “lặng tờ”. Dường như nhà văn đang sống ở một thời đại nào đó xa xôi lắm, xưa cổ lắm, không có tiếng âm thanh của cộ xe, của súng đạn. Một nỗi hồ nghi dợn lên trong lòng người nghệ sĩ: “Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lên, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Bao thời đại trôi qua dòng sông Đà vẫn lặng tờ, lim dim mơ màng giữa núi rừng Tây Bắc. Hai bên bờ sông, cảnh vật yên ả, thanh bình, tràn trề nhựa sống như đang bắt đầu vào mùa sinh sôi nảy lộc. Một nương ngô hiện ra trước mắt nhà văn, ngô chưa ra trái, ngô chỉ mới “nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”. Trên đồi, cỏ gianh xanh mơn mởn đang phun trào những lộc búp: “cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”. Có một đàn hươu thơ ngộ đang “cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. Ôi khung cảnh an yên quá đỗi. Ngay cả cử chỉ cúi đầu nhai cỏ của đàn hươu cũng thật nhẹ nhàng, trầm lắng. Chữ “ngốn” gợi tả sự non tơ của cỏ gianh, sự hiền lành đến dễ thương của đàn hươu nào đó sống bên bờ sông Đà, bãi sông Đà. Cảnh vật hai bên bờ sông hiện lên như một bức tranh rất đỗi thần tiên “không một bóng người”. Chưa dừng lại ở đó, nhà văn còn miêu tả sự hoang sơ, cổ kính của quãng sông này. Bờ sông Đà nguyên sơ như chưa có đôi bàn tay nào đến đây khai phá, để rồi: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Đúng rồi, đây là một bờ sông trong câu chuyện cổ tích năm nào ta nghe kể. Tĩnh vắng như vậy, hoang sơ như vậy thì còn gì mà không phải nữa chứ? Đoạn văn miêu tả cảnh hai bên bờ sông Đà có lẽ là đoạn văn mượt mà, ngọt ngào và thơ mộng nhất trong tác phẩm. Câu văn mang dáng dấp mềm mại, êm trôi, không khí mơ màng khiến người đọc đắm say ngây ngất
VẺ ĐẸP HUNG BẠO, HÙNG VĨ, DỮ DỘI CỦA SÔNG ĐÀ
Đối với Nguyễn Tuân, dòng sông Đà chính là “chất vàng” của màu sắc núi sông, linh hồn của mảnh đất Tây Bắc. Trong trang văn của Nguyễn Tuân, sông Đà không còn là dòng chảy vô tri mà trở thành sinh thể có tâm hồn, có tính cách như một nhân vật trong câu chuyện viết về vùng đất Tây Bắc hùng vĩ bí hiểm. Đến Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã không quản ngại công phu, ngắm nhìn chi tiết, tìm hiểu cặn kẽ để miêu tả dòng sông Đà trên hai dạng vẻ: hung bạo và trữ tình. Hình ảnh sông Đà chảy xuôi từ trang văn đầu cho đến trang văn cuối, từ nơi đá dựng vách thành cho đến quãng dưới dòng sông, từ dữ dội đến thi vị, trữ tình.
- Trước hết, dòng sông Đà hiện lên hung bạo, dữ dội, gây không ít phiền toái cho con người. Phong cảnh Tây Bắc nói chung và Đà giang nói riêng dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân hùng vĩ, uy nghiêm, mang hồn thiêng sông núi.
+ Trong đoạn đầu của bài tùy bút, Nguyễn Tuân đã dẫn câu thơ của Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890) để hàm ẩn sự ngang ngược, táo bạo của dòng sông: “Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”. Trong khi mọi dòng sông khác đều chảy về hướng đông, tìm đường đổ ra biển cả thì dòng Đà giang ở núi rừng Tây Bắc lại “độc bắc lưu” – một mình chảy về hướng bắc. Sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, khi vào Việt Nam, con sông khởi đầu ở Lai Châu, chảy qua các tỉnh Tây Bắc Việt Nam (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ). Con sông Đà ngang ngược là một nguồn cảm hứng mãnh liệt thôi thúc Nguyễn Tuân tìm tòi, khám phá, nó càng thích hợp hơn khi đem phong cách cách Nguyễn Tuân đặt vào: chuyên viết về “cái đẹp tuyệt mĩ và dữ dội đến mức khủng khiếp”.
+ Cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, chẹt lòng sông Đà “như một cái yết hầu” là ấn tượng tiếp theo về sự hiểm trở của nó. Ở đoạn này thì dòng chảy trên sông chưa gọi là siêu tốc. Nhưng cái ghê rợn mà con người cảm nhận khi đi ngang qua quãng sông này chính là bóng tối và cái lạnh lẽo của nó. Bởi vì vách đá dựng cao “chẹt lòng Sông Đà” nên ngoại trừ lúc mặt trời trên đỉnh đầu (“đúng ngọ”) thì các thời điểm còn lại tia sáng đều không thể rọi vào lòng sông. Chẳng những tăm tối mà nhiệt độ quãng sông ấy còn thấp, vì vậy mà ai “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Thật bất ngờ khi Nguyễn Tuân đem không khí phố thị (“hè một cái ngõ”, “cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”) đặt vào khung cảnh núi rừng heo hút, hoang sơ.
+ Xuôi thuyền về quãng mặt ghềnh Hát Loóng , ấn tượng về sự hung bạo ở quãng sông này là sự vận chuyển của nước, của đá và của gió: “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”. Tác giả đã nhân hóa con sông với một kẻ chuyên đi đòi nợ để gợi tả sự nguy hiểm của nó: “lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua quãng ấy”. Nhà văn cũng mách người đọc nếu có dịp qua quãng sông ấy mà “khinh suất” (không cẩn thận) thì cũng bị dòng nước hạ gục như chơi.
+ Tử thần trên sông Đà là những cái “hút nước” ghê rợn. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, lòng sông ẩn chứa nhiều nguy hiểm đe dọa con người, sẵn sàng nhấn chìm mọi thuyền bè đi ngang qua. Nhà văn đã tái hiện nhưng cái hút nước ấy từ hình dạng bên ngoài đến âm thanh và hậu quả kinh khủng mà nó gây ra cho con người. Để gợi tả độ sâu của những cái hút nước, Nguyễn Tuân so sánh nó với “cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”. Rõ ràng là một sự so sánh độc đáo. Cùng với câu văn: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, hai biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa được sử dụng cùng một lúc khiến hiệu quả gợi hình, gợi âm sắc, gợi cảm xúc cả Nguyễn Tuân được nhân lên gấp bội. Dòng nước thở hồng hộc, thanh âm thống thiết, thét gào giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng. Trên mặt những cái hút nước quãng này, nước xoáy tròn sẵn sàng đưa mọi thứ gần đó xuống đáy sâu mà phía trên trông như “những cánh quạ đàn” đang quạt thật mạnh, thật điên cuồng với khát vọng khuất phục mọi thứ. Dòng sông Đà vì thế mà trở nên hùng dũng, uy lực hơn rất nhiều. Những cái hút nước tựa như giếng sâu sẵn sàng “lôi tuột” chiếc thuyền nào chẳng mai đi vào đó. Nguyễn Tuân có sự liên tưởng thật lí thú: “Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào.”. Giữa chốn núi rừng hoang sơ này, tác giả đã thổi vào không khí của phố thị khi so sánh chiếc thuyền với ô tô, đoạn sông có những cái hút nước với quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Từ đó khẳng định những cái hút nước này chính là mối đe dọa mà bất cứ ai cũng phải sợ, phải thật điêu luyện, thật bình tĩnh nhưng nhanh chóng mới có thể “thoát chết” khi đi ngang qua đây.
Hậu quả khi vô ý đi ngang qua cái hút nước được tác giả dự báo trước: “Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Đó không phải là lỗi của sông Đà bởi dòng sông chảy giữa bạt ngàn núi rừng, qua bao ghềnh thác cheo leo bao giờ cũng hung hãn. Sức mạnh của thiên nhiên từ lâu vốn là mối đe dọa đối với con người. Có trách là trách “nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý”, hoặc đi trên sông Đà mà người chèo thuyền không đủ tự tin, bản lĩnh, không am hiểu quy luật của dòng nước thì “thuyền bị trồng ngay cây chuối ngược” cũng là chuyện thường tình, không trách ai được. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Tuân đã dụng công miêu tả sự tài hoa, tinh tế, trí thông minh, lòng dũng cảm của ông lái đò như một tấm gương sông nước nơi núi rừng khắc nghiệt, hiểm trở này.
+ Nguyễn Tuân gợi tả âm thanh của thác nước – một âm dữ dội, rống riết. Mặc dù con thuyền vẫn chưa đến thác nhưng tiếng thác đổ ầm ầm vào tai thôi thúc người nghệ sĩ vận dụng nghệ thuật ví von: “Tiếng thác nước nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Dữ dội hơn, âm thanh của tiếng thác nước điên tiết, gây hấn như “tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa đổ lửa”. Đó là âm thanh của sự hùng vĩ nhưng dữ dội vô cùng.
+ Dòng nước đưa chiếc thuyền “đuôi én sáu bơi chèo” của người lái đò tới cái thác mà thanh âm tiếng thác nước dự báo những điềm không hề lành lặn. Nguyễn Tuân viết: “Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”. Cái thác không phải là nỗi ám ảnh to lớn của những người qua song, song tiếng thác rầm rộ lẫn “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá” không thể không khiến người lái đò rùng mình e ngại. Bọt sóng trắng che khuất màu xám xịt của đá, khiến quãng sông hiện lên hùng vĩ vô biên – biểu tượng cho uy lực của thiên nhiên Sông Đà. Thế nhưng, sóng đối với người lái đò trên sông chẳng đáng sợ là gì so với đá. Dường như đá ngầm trên sông “dàn bày thạch trận”, tạo thành những cửa sinh, cửa tử mới là thách thức lớn đối với người lái đò: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”. “Đường ngoặt sông” cong cong là cánh cửa dẫn dụ người lái đò vào quãng sông nhiều đá ngầm, khúc ngoặt áng cả tầm nhìn của người lái đò mà giả sử như không chuẩn bị trước tâm thế chiến đấu, chắc có lẽ người lái đò sẽ bị đánh tan xác ở những chặng ban đầu. Nguyễn Tuân khéo léo nhắc lại sức mạnh và sự dữ dội của đá trên Sông Đà: “từ ngàn năm vẫn mai phục hết lòng sông”. Phải chăng, từ khi nào Sông Đà xuất hiện ở núi rừng Tây Bắc, thì từ lúc đó đá “mai phục” sẵn chờ đợi người lái đò để thực hiện một “cú vố” bất ngờ. Nguyễn Tuân sử dụng ngôn ngữ mang tính võ thuật cao, khiến hòn đá vô tri cũng trở nên sinh động, có “tâm địa độc ác của thứ kẻ thù số một”. Cách nhân hóa: “một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy chiếc thuyền” khi chiếc thuyền tiến vào “thạch trận Sông Đà” khiến câu chuyển động mạnh mẽ, giúp người đọc hình dung ra sự đáng sợ của quãng sông này cùng với nỗi lo ngại cho sinh mệnh của người lái đò trên sông. Ta tự hỏi đá hay là một thứ quỷ quái nào trên Sông Đà mà cũng có mặt, có mũi, có tâm địa độc ác: “Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”. Hàng loạt tính từ chỉ người: “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó” được Nguyễn Tuân sử dụng để miêu tả hình thù hòn đá khiến đá trở nên hống hách hơn, như “hất hàm” đòi một cuộc tuyên chiến mà một bên là thiên nhiên với sức mạnh oai hùm, một bên là con người nhỏ nhoi trên “chiếc thuyền đuôi én sáu bơi chèo” vượt qua cửa tử tiến vào cửa sinh. Nhà văn khép lại bằng câu văn: “Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông”. “Thạch trận trên sông” đã được dàn sẵn chờ đợi và thử thách ông lái đò. Tuy nhiên, với bản lĩnh, sự thông minh am hiểu cái quy luật phục kích của lũ đá nơi này kết hợp với tay lái “ra hoa”, ông lái đò đã chiến thắng ngoạn mục “đối thủ” hung hãn của mình.
Đó là những đoạn văn miêu tả sự hùng vĩ của sông Đà. Dữ dội là thế, hiểm trở là thế, tuy nhiên điều mà Nguyễn Tuân nhấn mạng ở đây chính là vẻ hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc chứ không phải kích thích để con người thù hằn sông Đà, bởi sông Đà chính là trục giao thông đường thủy chính góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng núi cao Tây Bắc.

Tài liệu đính kèm:

  • docgiao_an_ngu_van_lop_12_tuan_16_van_ban_nguoi_lai_do_song_da.doc