Thuyết minh bài giảng Ngữ văn Lớp 12 - Văn bản "Sóng" - Hoàng Thị Hường

Thuyết minh bài giảng Ngữ văn Lớp 12 - Văn bản "Sóng" - Hoàng Thị Hường

MỤC TIÊU BÀI HỌC

Bài học hôm nay sẽ giúp các em:

+ Kiến thức : Qua bài học giúp HS: Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và niềm khát khao của người phụ nữ về một tình yêu thuỷ chung, bất diệt.Thấy được đặc sắc về nghệ thuật kết cấu, xây dựng hình ảnh, nhịp diệu và ngôn từ của bài thơ.

+ Kĩ năng : Trình bày, trao đổi về mạch cảm xúc của bài thơ, về sự thể hiện hình tượng sóng và em trong bài thơ. Phân tích, so sánh, bình luận về vẻ đẹp của tình yêu trong thơ ca, về vẻ đẹp của gương mặt thơ Xuân Quỳnh.

+ Thái độ : Tự nhận thức về vẻ đẹp tình yêu trong cuộc sống.

+Định hướng phát triển năng lực: năng lực hợp tác khi làm việc, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự học, năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ TV, năng lực cảm thụ thẫm mỹ, năng lực sử dụng CNTT.

 

doc 8 trang Phước Dung 26/10/2024 290
Bạn đang xem tài liệu "Thuyết minh bài giảng Ngữ văn Lớp 12 - Văn bản "Sóng" - Hoàng Thị Hường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN THUYẾT MINH BÀI GIẢNG E-LEARNING
TÁC PHẨM “SÓNG”-XUÂN QUỲNH
Giáo viên: Hoàng Thị Hường-Trường THPT Vinh Lộc
GIỚI THIỆU BÀI HỌC
Xin chào các em! Các em thân mến, đại thi hào Ra-bin-dra-nát Ta-go đã từng viết những câu thơ với sự băn khoăn trên hành trình tìm kiếm, cắt nghĩa tình yêu:
Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó
Em là nữ hoàng của vương quốc đó
Ấy thế mà em em có biết gì về biên giới của nó đâu.
Đúng như vậy, tình yêu là một điều kì diệu, đẹp đẽ nhưng cũng thật bí ẩn của con người, lẽ thế mà đã có bao nhiêu nhà thơ, nhà văn viết về những cung bậc, sắc thái của tình yêu. Và hôm nay, chúng ta một lần nữa sẽ khám phá vẻ đẹp tình yêu qua một thi phẩm của nữ sĩ Xuân Quỳnh, bài thơ “Sóng” để thấy được những cảm nhận rất riêng của nhà thơ được mệnh danh là “nữ hoàng thơ tình yêu”, các em nhé!
MỤC TIÊU BÀI HỌC
Bài học hôm nay sẽ giúp các em:
+ Kiến thức : Qua bài học giúp HS: Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và niềm khát khao của người phụ nữ về một tình yêu thuỷ chung, bất diệt.Thấy được đặc sắc về nghệ thuật kết cấu, xây dựng hình ảnh, nhịp diệu và ngôn từ của bài thơ.
+ Kĩ năng : Trình bày, trao đổi về mạch cảm xúc của bài thơ, về sự thể hiện hình tượng sóng và em trong bài thơ. Phân tích, so sánh, bình luận về vẻ đẹp của tình yêu trong thơ ca, về vẻ đẹp của gương mặt thơ Xuân Quỳnh.
+ Thái độ : Tự nhận thức về vẻ đẹp tình yêu trong cuộc sống.
+Định hướng phát triển năng lực: năng lực hợp tác khi làm việc, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tự học, năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ TV, năng lực cảm thụ thẫm mỹ, năng lực sử dụng CNTT.
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về cuộc đời nhà thơ Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh (1942-1988), tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê, Hà Đông, Hà Tây, nay là Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Có lẽ hoàn cảnh của một người con sớm phải chịu cảnh mồ côi, thiếu thốn tình cảm của người thân mà Xuân Quỳnh luôn khao khát được yêu thương, và sau này khi lớn lên, chị lại muốn bù đắp tình yêu thương cho những người thân yêu của mình. Có thể thấy rằng, cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh là một nỗ lực thoát khỏi nỗi chơ vơ định mệnh đó. Chính vì thế mà chị suốt đời yêu thương, luôn khát khao khắc khoải yêu và được yêu. Cuộc đời chị là hành trình tìm kiếm hạnh phúc như thế, cho nên chị trở thành thi sĩ của tình yêu là một điều tất yếu.
Những lo âu về sự hữu hạn của đời người dường như đã trở thành định mệnh khi chị và gia đình đã gặp tai nạn giao thông, tai nạn ngày 29-4-1988 đã cướp đi 3 trong 4 thành viên trong gia đình chị, gồm hai vợ chồng Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ, chỉ còn người con trai Lưu Minh Vũ may mắn sống sót.
Cuộc đời chị là một cuộc đời đa đoan và bất hạnh. Đóa hoa Quỳnh mùa Xuân ấy chỉ tỏa hương thật ngắn ngủi nhưng đã để lại bao nhiêu hương thơm cho vườn thi ca văn học Việt Nam.
Các tập thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh:
 +Tơ tằm-Chồi biếc (in chung, 1963)
 +Hoa dọc chiến hào (1967)
 +Gió Lào cát trắng (1974)
 +Lời ru trên mặt đất (1978)
 +Tự hát (1984)
 +Hoa cỏ may (1989) 
	Và một số tác phẩm khác.
-Đặc điểm sáng tác:
Sự nghiệp thơ ca của Xuân Quỳnh rất phong phú, chị đã viết những vần thơ tươi xanh, và cũng đã viết những vần thơ lửa cháy, nhưng trên hết, đọng lại sâu sắc nhất trong chúng ta vẫn là những vần thơ viết cho mẹ, cho con, cho anh. Dường như Xuân Quỳnh nhận thức được sự ngắn ngủi của đời người, nên chị đã sống hối hả, nồng cháy, da diết trong tình yêu: “Những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ/những ngày không gặp nhau/lòng thuyền đau rạn vỡ”. Thơ chị là một lời tự hát về trái tim đong dầy, chân thật của mình: 
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em 
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có 
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa 
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Nỗi âu lo vẫn thường trực trong tâm hồn chị “Lời yêu mỏng manh như màu khói/Ai biết lòng anh có đổi thay?”, nhưng cuối cùng, đối với chị tình yêu sẽ bất tử vượt lên trên mọi sự băng hoại của thời gian: Thời gian như là gió/Mùa đi cùng tháng năm/Chỉ còn anh và em/ Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại”.
Đó là niềm tin của một tâm hồn người phụ nữ đôn hậu. Viết về mẹ chồng, chị đã viết như thế này : “Mẹ đâu mẹ của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Chắt chiu từ những ngày xưa/Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.
Có lẽ chưa từng có ai viết những câu thơ hồn hậu, chân thành như thế. 
Từ đó, chúng ta có thể nói rằng, thơ XQ là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn; vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm, luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.
Xuân Quỳnh là Một trong những nhà thơ viết thơ tình hay nhất sau 1945, “người đàn bà yêu và làm thơ”. Một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ.
Tác phẩm
Và để hiểu rõ hơn về vẻ đẹp thơ XQ, chúng ta cùng đến với một trong những bài thơ tiêu biểu của chị, bài thơ “Sóng”. 
Về hoàn cảnh sáng tác, bài thơ được viết năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Năm 1967 là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt, mục đích ban đầu của chị là đi thực tế để viết những vần thơ lửa cháy để cỗ vũ cho phong trào chiến đấu của quân dân ta. Nhưng khi đứng trước biển khơi mênh mông, trước trắm ngàn con sóng biếc, trái tim yêu của chị lại rung lên những nhịp bồi hồi, và bài thơ ra đời như khát vọng yêu thương của một hồn thơ đằm thắm mà mãnh liệt. Đây là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh, in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).
Bố cục: Việc phân chia chỉ là tương đối để các em dễ tiếp cận tác phẩm.
+ Phần 1 (2 khổ đầu): Sóng-biểu tượng tình yêu của người phụ nữ.
+ Phần 2 (còn lại): Những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ khi yêu.
II. ĐỌC –HIỂU VĂN BẢN
Hướng dẫn đọc: Đối với bài thơ Sóng, tùy theo cảm xúc từng đoạn mà thể hiện giọng đọc cho phù hợp. Chú ý đoạn 5 đọc với nhịp điệu dồn dập, đoạn 8 đọc với giọng trầm buồn, khắc khoải các đoạn còn lại các em nên đọc với giọng điệu tha thiết, nhịp nhàng.Sau đây các em nghe cô đọc nhé. 
Cảm nhận chung
Sau khi đọc và nghe ngâm bài thơ, các em có những cảm nhận gì? Trước khi đi vào phân tích, chúng ta cùng cảm nhận về những đặc sắc chung của bài thơ nhé. Đây chính là chìa khóa giúp các em dễ phân tích từng đoạn thơ hơn dễ dàng hơn.
Tiêu đề bài thơ đã gợi cho chúng ta một hình tượng rất gần gũi, quen thuộc: hình tượng sóng. Trong thơ ca, đây không phải là một hình tượng mới lạ. Nguyễn Du từng viết “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” để thể hiện tình cảm dạt dào của KT dành cho TK trong lần hò hẹn. Còn Xuân Diệu cũng đã dùng hình tượng Sóng để thể hiện một tình yêu mãnh liệt: Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi cát vàng em/Hôn thật khẽ thật êm/Hôn êm đềm mãi mãi”. Nhưng đến với “Sóng” của Xuân Quỳnh, chúng ta vẫn được thưởng thức những khám phá hết sức mới mẻ và tinh tế. Cái độc đáo ở đây là Xuân Quỳnh đã xây dựng cặp hình tượng sóng đôi tạo nên kết cấu song hành: sóng và em khi tách rời soi chiếu cho nhau, khi hòa quyện vào nhau, vừa có sự tương đồng vừa có sự khác biệt, em và sóng đều là phân thân của cái tôi Xuân Quỳnh, từ đó tôn lên vẻ đẹp tình yêu tinh tế mà phong phú.
Thể thơ năm chữ có tác dụng tạo ra những nhịp điệu nhịp nhàng như nhịp của sóng vỗ vào bờ. Cả bài thơ là một đại dương, mỗi khổ thơ là một con sóng lớn, mỗi câu thơ là một con sóng nhỏ. Các khổ thơ không có dấu chấm cuối câu, dài ngắn khác nhau: như những con sóng trào dâng, nối nhau không dứt. Tất cả đã tạo nên một âm hưởng mênh mang, dào dạt của những con sóng lòng nhiều cung bậc, diễn tả vẻ đẹp riêng trong tình yêu của nhân vật trữ tình: mãnh liệt, da diết mà đằm thắm và đầy nữ tính.
Sóng-biểu tượng tình yêu của người phụ nữ.
Những trạng thái đối lập của tình yêu
Mở đầu bài thơ, với hai câu thơ “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ” nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khám phá những trạng thái đối lập của sóng biển: lúc thì dữ dội, ồn ào có thể phá tan tất cả trong những trận cuồng phong, nhưng lúc trời yên gió lặn thì sóng lại dịu êm, lặng lẽ. Sóng là vậy đấy, dữ đấy rồi êm đấy, chợt ồn rồi chợt lặng, sóng luôn biến đổi muôn hình vạn trạng. Đây vừa là hình ảnh thực, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ cho tâm lí phức tạp của người phụ nữ khi yêu, khi sôi nổi, mãnh liệt khi dịu dàng, sâu lắng. Tâm hồn người phụ nữ khi yêu là vậy, bí ẩn và phức tạp khôn cùng. Các em chú ý, trong hai câu thơ “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ” , mặc dù diễn tả hai trạng thái đối lập nhưng nhà thơ không dùng từ quan hệ “mà” hoặc “nhưng”, nữ sĩ không viết “Dữ dội nhưng dịu êm”, bởi lẽ, những trạng thái tưởng chừng đối lập này không hề loại trừ nhau mà ngược lại bổ sung cho nhau. Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình trong một tâm trạng bùng cháy ngọn lửa mãnh liệt của tình yêu, không chịu yên định mà đầy biến động, khao khát “Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên”. Đúng như vậy, tình yêu của người con gái nào bao giờ yên định bởi có lúc họ yêu rất dữ dội, yêu mãnh liệt hết mình với những nhớ nhung “cả trong mơ còn thức”, đôi khi ghen tuông giận hờn vô cớ, như một nhà thơ từng viết:
Em bảo anh đi đi
Sao anh không đứng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay
Lời nói gió thoảg bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em?
Vâng, tình yêu là thế, luôn tồn tại những trạng thái phức tạp, bí ẩn, những cung bậc, trạng thái phong phú ấy lại thể hiện một tình yêu nồng nàn, tha thiết.
Tình yêu thì phong phú, phức tạp, mà trái tim của XQ lại là trái tim của một thiếu nữ đang trong độ tuổi đôi mươi, một trái tim chân thành và đam mê, luôn rực cháy chất trẻ trung mãnh liệt, khao khát được sống hết mình và yêu hết mình, vì thế nhà thơ khao khát:
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Tác giả đã sử dụng phép nhân hóa “sôngkhông hiểu”-sóng tìm ra” và hình ảnh chỉ không gian đối lập: sông-bể. Mạch sóng mạnh mẽ như bứt phá không gian chật hẹp để khát khao một không gian lớn lao. Hành trình tìm ra tận bể chất chứa sức sống tiềm tàng, bền bỉ để vươn tới giá trị tuyệt đích của chính mình. Sóng không cam chịu một cuộc sống đời sông chật hẹp, tù túng nên nó làm cuộc hành trình ra biển khơi bao la để thỏa sức vẫy vùng. Tình yêu của Xuân Quỳnh cũng vậy, tình yêu của người phụ nữ cũng không thể đứng yên trong một tình yêu nhỏ hẹp mà phải vươn lên trên tất cả mọi sự nhỏ hẹp tầm thường để được sống với những tình yêu cao cả, rộng lớn, bao dung, để được sống là chính mình. Đây là một quan niệm tình yêu tiến bộ và mạnh mẽ của người phụ nữ hiện đại.
2.2. Quy luật của tình yêu
Tình yêu mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, nó làm bồi hồi, xao xuyến rung động trái tim của lứa đôi, của con trai con gái, của em và anh.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Thán từ “Ôi!” như tiếng lòng thốt lên từ nỗi thổn thức của trái tim yêu. Quy luật của sóng “ngày xưa ngày sau vẫn thế”, đó là quy luật của những con sóng biển luôn tìm đến bến bờ. Từ quy luật của tự nhiên tác giả phát hiện ra quy luật của tình cảm con người “nỗi khát vọng tình yêu/ bồi hồi trong ngực trẻ”. Tính từ bồi hồi thể hiện những cảm xúc chân thực, say đắm khi yêu: chờ đợi, hồi hộp, xao xuyến. Tình yêu là khát vọng lớn lao, vĩnh hằng của tuổi trẻ và nhân loại. Tình yêu làm ta bồi hồi khát khao và nhung nhớ bởi “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Tình yêu làm cồn cào bao trái tim tuổi trẻ với những nhớ nhung giận hờn, những da diết như lời thơ Xuân Quỳnh “Những ngày không gặp nhau/Lòng thuyền đau rạn vỡ/ Những ngày không gặp nhau/ Biển bạc đầu mong nhớ”. Đây là cách cảm nhận tình yêu một cách nồng nàn mà có chiều sâu trên hai bề mặt cảm xúc và nhận thức của nhà thơ.
Như vậy, hai khổ thơ đầu đã cho ta thấy được nét tương đồng giữa hình tượng sóng và tình yêu của người phụ nữ, hình tượng sóng vì vậy trở thành biểu tượng của tình yêu, vì sóng mang những nét đặc trưng và tính chất của tình yêu: tự nhiên, kì diệu, phức tạp, nhiều dáng vẻ, là nỗi khát vọng muôn thuở của con người.
Những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ khi yêu
Mượn hình tượng con sóng biển, nhà thơ đã khám phá những cung bậc, sắc thái tình cảm của người phụ nữ khi yêu một cách tinh tế, phong phú. Mỗi khổ thơ là một biểu hiện của tình yêu, đồng thời cũng là nguồn mạch dẫn đến khát vọng về tình yêu của thi sĩ. Trong đó, khổ 3,4 là sự khám phá cội nguồn của tình yêu, khổ 5 diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu, khổ 6 là lời thề thủy chung son sắt, khổ 7 là một lời tin tưởng vào cái đích của tình yêu, khổ 8 trầm lắng với những băn khoăn trăn trở để rồi khổ 9 lại là một khao khát đầy cao cả về một tình yêu vĩnh cửu.
Sau đây chúng ta cùng thi sĩ khám phá những cung bậc cảm xúc ấy, các em nhé!
3.1. Cội nguồn của tình yêu
Tình yêu phức tạp, bí ẩn như những con sóng biển, cho nên khi yêu người ta luôn có nhu cầu tìm hiểu, phân tích, khám phá tình yêu: 
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Điệp từ “em nghĩ” và những câu hỏi tu từ đã nói lên thật dễ thương cái nhu cầu tự nhận thức, tự phân tích, lí giải, nhưng lại không thể cắt nghĩa nổi của tình yêu. Lí giải được ngọn nguồn của sóng thì dễ bởi “Sóng bắt đầu từ gió” nhưng để hiểu “Gió bắt đầu từ đâu” thì thi nhân lại ấp úng, bởi thiên nhiên là vô tận vô biên, không ai có thể truy tìm và lý giải hết được. Cũng như tình yêu của anh và em, cũng tự nhiên như sóng biển, như gió trời vậy thôi. Câu thơ “Em cũng không biết nữa” như một cái lắc đầu nhè nhẹ. Kì lạ quá, em và anh yêu nhau bao giờ nhỉ ? Tình yêu là vậy, khó lí giải, khó định nghĩa. Xuân Diệu – ông hoàng của thi ca tình yêu cũng đã băn khoăn khi định nghĩ tình yêu “Đố ai cắt nghĩa được tình yêu/Có khó gì đâu một buổi chiều/Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu ». Chính vì không thể lí giải rõ ngọn ngành nên tình yêu vì thế mà trở nên đẹp và là cái đích để cho muôn người đi tìm và khám phá: 
Dù tin tưởng chung một đời một mộng
Anh là anh mà em vẫn là em
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật
	(Xuân Diệu)
Những tâm hồn bí mật ấy luôn khao khát giao hòa, khao khát khám phá nhưng lại không lý giải nổi tình yêu. Bởi tình yêu là bài toán chưa có lời giải đáp, tình yêu như bài thơ chưa có hồi kết. Vì thế tình yêu luôn đẹp, luôn mới và hấp dẫn. Có lẽ vì thế mà thi sĩ đã lắc đầu “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Đây là cách cắt nghĩa tình yêu rất chân thành, hồn nhiên, trực cảm và đầy nữ tính.
3.2. Nỗi nhớ trong tình yêu
Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Nỗi nhớ là gam màu chủ đạo trong tình yêu. Chế Lan Viên đã viết những câu thơ rất hay về nỗi nhớ: 
Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ 
Một trời sao rực cháy giữa đôi ta 
Em nhắm mắt cho lòng anh lộng gió 
Cho trời sao yên rụng một đêm hoa.
Còn Xuân Quỳnh lại có cách diễn đạt nỗi nhớ rất riêng:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Đây là một khổ thơ vô cùng đặc biệt bởi trong bài thơ chỉ duy nó có sáu câu. Sáu câu thơ trải dài như nỗi thao thức, băn khoăn của tâm hồn thi sĩ trong đêm.
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước”
Hai câu thơ với hình thức lặp cấu trúc quyện hòa cùng nghệ thuật đối “dưới lòng sâu – trên mặt nước” tạo nên sự điệp trùng của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau. Biện pháp đối lập “dưới lòng sâu-trên mặt nước”, “ngày-đêm” diễn tả một nỗi nhớ bao trùm cả không gian, thao thức trong mọi thời gian, một nỗi nhớ da diết, không thể nào nguôi quên, cứ cuồn cuộn, dào dạt như sóng biển triền miên.
Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi mượn một hình tượng rất động để diễn ta nỗi niềm của người phụ nữ khi yêu. Sóng muôn đời vẫn thế, có bao giờ thôi vỗ sóng, có khi nào chẳng cồn cào, có khi nào thôi ngừng hành trình đến với bờ. Sóng là vậy, dù lặng yên dưới lòng biển hay dữ dội trên mặt đại dương thì ngàn đời vẫn khát khao tìm về bến bờ. Nó bất chấp cả thời gian “ngày đêm không ngủ được” để hướng vào bờ cho thỏa nỗi niềm mong nhớ.
Và nếu sóng nhớ bờ thì em nhớ anh. Đó âu cũng là quy luật của tình yêu.
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Xuân Quỳnh dùng chữ “lòng” rất tinh tế. Lòng là nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người. Nơi bí mật thẳm sâu của tình yêu và nỗi nhớ. Cách nói cường điệu nhưng hợp lí “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” diễn tả nỗi nhớ choáng ngợp cõi lòng không chỉ trong ý thức mà thấm sâu vào trong tiềm thức, từ đó thể hiện tình yêu da diết, sâu đậm, mãnh liệt của nhân vật trữ tình.
3.3. Sự thủy chung trong tình yêu
Sự thuỷ chung trong tình yêu là một vẻ đẹp truyền thống của dân tộc ta. Khổ thơ tiếp theo bày tỏ khát vọng được sống hết mình trong một tình yêu đẹp, sắt son thuỷ chung: 
 “Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam”
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh-một phương”
Nhà thơ đã sử dụng Biện pháp đối lập « phương bắc »- »phương nam », cách nói ngược « xuôi về bắc », « ngược về nam ». Từ xưa đến nay người ta vẫn thường nói “Xuôi Nam, ngược Bắc” giờ đây Xuân Quỳnh lại nói “Xuôi Bắc, ngược Nam”, phải chăng cách nói đó nhằm diễn tả những khó khăn, trắc trở trong tình yêu. Cuộc đời có nhiều cách ngăn, nhưng XQ khẳng định: “Nơi nào em cũng nghĩ. Hướng về anh-một phương”. Kiểu câu nhượng bộ « Dẫu », cách nói khẳng định «Hướng về anh-một phương » đã khẳng định chắc nịch tình yêu chung thủy, dù cuộc đời nhiều thử thách, dù tình yêu nhiều cách trở, thì em vẫn luôn hướng về phương anh, phương của tình yêu. 
Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh.
	(Xuân Quỳnh)
Thế mới biết tình yêu của chị nồng nàn, mãnh liệt thế nào. Hướng về anh thì có thể thay đổi nhưng với lời khẳng định chắc nịch “một phương” thì nơi em hướng về là bất di bất dịch. Đó là một tình yêu son sắt, mang vẻ đẹp truyền thống.
3.4. Niềm tin trong tình yêu
Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà nhà thơ đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ hồn hiên tha thiết yêu đời này vẫn còn ấp ủ biết bao hi vọng, vẫn phơi phới một niềm tin vào hạnh phúc trong trương lai:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào cũng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Từ chỉ không gian « đại dương » gợi lên khoảng cách mênh mông, đó cũng chính những ngăn cách của cuộc đời. Thế nhưng, quy luật tất yếu của con sóng là tìm đến bến bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi. Đó chính là niềm tin tình yêu sẽ vượt qua những trắc trở của cuộc đời để đi đến bến bờ hạnh phúc. Niềm tin của một người con gái đã qua nhiều đổ vỡ trong tình yêu thể hiện một tâm hồn đầy vị tha, nhân hậu.
3.5. Sự lo âu, trăn trở
Càng yêu thương tha thiết, mãnh liệt, Xuân Quỳnh càng lo âu khắc khoải. càng hạnh phúc, thi sĩ càng lo sợ tình yêu sẽ phai tàn, vụt qua như ánh chớp. Đó là hai tâm trạng thường trực trong hồn thơ nữ sĩ:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Xuân Quỳnh qua khổ thơ trên đã phần nào cho người đọc nhận thức rõ về những dự cảm và nỗi băn khoăn của chị. Những từ ngữ diễn tả quan hệ đối lập “tuy vẫn”, “dẫu vẫn” như một sự nhạy cảm và âu lo, phấp phỏng về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh của hạnh phúc. Viết khổ thơ này, Xuân Quỳnh đã ý thức được hết về lẽ thật của cuộc đời, đó là cái gì cũng hữu hạn, cũng vô thường.
3.6. Khát vọng về tình yêu vĩnh cữu
Cuộc đời thì hữu hạn như thế, mà khát vọng tình yêu của thi sĩ thì vô biên, vậy làm sao để tình yêu được bất tử? Khổ cuối thể hiện khao khát hòa tình yêu con sóng nhỏ của mình vào biển lớn tình yêu – tình yêu bao la, rộng lớn – để sống hết mình trong tình yêu, để tình yêu riêng hoá thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Câu cảm thán “Làm sao ” và động từ mạnh “tan ra”: khao khát mãnh liệt được hòa nhập, được hy sinh trong tình yêu. Nhà thơ dùng từ chỉ số lượng lớn “trăm con sóng” hòa vào “biển lớn” “ngàn năm”, thể hiện một khát vọng mãnh liệt muốn làm trăm con sóng để hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào biển lớn tình yêu để một đời vỗ muôn điệu yêu thương. Đó là một khát vọng đẹp đẽ thể hiện một tình yêu cao cả, đậm tính nhân văn. Những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ đang yêu đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn một người phụ nữ nhạy cảm, chân thành, tha thiết, mãnh liệt mà cũng đầy nhân hậu trong tình yêu. Chỉ khi hướng tới một tình yêu cao thượng, con người mới thực sự sống trong tình yêu, thực sự sống với chính mình.
Viết về khát vọng vươn tới một tình yêu cao thượng, đậm tính nhân văn, nhiều nhà thơ trên thế giới đã có những thi phẩm tuyệt đẹp. Nếu Tago mong ước “Nếu đời anh là một viên ngọc, anh sẽ đập nó ra làm tram mảnh, xâu thành một chuỗi, quàng vào cổ em” (Bài thơ số 28), thì Pushkin lại nguyện ước “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em” (Tôi yêu em). Những khát vọng chân thành, cao cả đó làm nên điều đẹp đẽ của tình yêu, hướng con người đến chân-thiện-mĩ.
III. Tổng kết
Qua bài thơ, các em nắm lại một số đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật.
*Nội dung: Bài thơ thể hiện những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ đang yêu, qua đó thể hiện vẻ đẹp của một tình yêu vừa truyền thống vừa hiện đại.
*Nghệ thuật: Kết cấu song hành với cặp hình tượng sóng đôi; Hình ảnh giản dị, ngôn ngữ trong sáng; Thể thơ ngũ ngôn với nhịp điệu linh hoạt; âm điệu nhịp nhàng.
PHẦN KẾT THÚC BÀI HỌC
Chúng ta vừa đến với thi phẩm “Sóng” của Xuân Quỳnh. Bài thơ kết thúc mà lời thơ còn vang vọng mãi cái dào dạt của sóng nước, của những con sóng tình yêu. Đọc xong bài thơ “Sóng” chúng ta càng nhận thức được vẻ đẹp của tình yêu, và dù cuộc đời có nhiều trắn trở, chúng ta cũng hãy giữ cho mình một tình yêu cao thượng, chân thành các em nhé. Thời gian có thể bang hoại mọi thứ, nhưng tình yêu đẹp đẽ của con người sẽ trường tồn mãi mãi, như câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Chỉ còn anh và em/Và tình yêu ở lại ”

Tài liệu đính kèm:

  • docthuyet_minh_bai_giang_ngu_van_lop_12_van_ban_song_hoang_thi.doc